Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em

16:46' - 30/08/2016
BNEWS Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hoàn thiện bản “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0-72 tháng tuổi”.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết: Để mở rộng can thiệp điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em tại các cơ sở y tế trong cả nước, Cục quản lý khám chữa bệnh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hoàn thiện bản “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0-72 tháng tuổi”.

Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt bản hướng dẫn này.

Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu rõ: Suy dinh dưỡng cấp tính là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong (gấp 9-20 lần so với trẻ bình thường) và bệnh tật cho trẻ dưới 5 tuổi. Ước tính hàng năm có 8 triệu trẻ thuộc các nước khu vực Đông Á - Thái Bình Dương bị suy dinh dưỡng cấp tính, trong số đó có 2,5 triệu ở mức độ nặng.

Trong hơn hai thập kỉ qua, Chương trình dinh dưỡng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về giảm thiểu suy dinh dưỡng trẻ em.

Nhưng hàng năm ở Việt Nam vẫn có khoảng 200.000 trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính mức độ nặng.

Những trường hợp này cần được phát hiện để kịp thời điều trị, tránh tử vong do các biến chứng nguy hiểm.

Trước tình hình trên, năm 2007, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã ra Tuyên ngôn chung về Quản lý suy dinh dưỡng cấp tính.

Năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành hướng dẫn toàn cầu cập nhật về phát hiện, chẩn đoán và điều trị cho trẻ bị suy dinh dưỡng nặng và cấp tính để tất cả các nước có thể áp dụng.

Nhận biết được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của suy dinh dưỡng nặng đối với trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Viện Dinh dưỡng đã hợp tác để xây dựng chương trình quản lý lồng ghép suy dinh dưỡng cấp tính trên thực địa.

Đặc biệt, 2 đơn vị đã xây dựng tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng nặng và cấp tính ở trẻ em (IMAM – Integrated Management of Acute Malnutrition) dựa trên những khuyến cáo và hướng dẫn cập nhật nhất của Tổ chức Y tế Thế giới.

Từ năm 2009 đến nay, Viện Dinh dưỡng cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc triển khai nhiều hoạt động phục vụ xây dựng chương trình chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng nặng và cấp tính ở trẻ em ở Việt Nam, trong đó có đánh giá khả năng chẩn đoán, điều trị của hệ thống y tế Việt Nam (cả bệnh viện và cộng đồng), xây dựng dự thảo hướng dẫn, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điều trị đạt tiêu chuẩn nhập khẩu tại Việt Nam; triển khai thí điểm mô hình tại các bệnh viện và cộng đồng ở các tỉnh dự án của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc.

Qua thời gian triển khai, hoạt động chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng nặng, cấp tính ở trẻ em đã giúp nhiều trẻ thoát khỏi suy dinh dưỡng, góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong và suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Trong năm đầu triển khai tại Kon Tum, đã có 435 trẻ dưới 5 tuổi được phát hiện và tiếp nhận điều trị sớm; trong số đó có 412 trẻ phục hồi hoàn toàn với tỷ lệ phục hồi đạt 94,7%.

Trong giai đoạn 2013-2014, ước tính có 31.000 trẻ dưới 5 tuổi được khám sàng lọc suy dinh dưỡng nặng và cấp tính, trong số đó chỉ tính riêng các tỉnh thuộc dự án của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc có 1.600 trẻ được phát hiện và tiếp nhận điều trị hoặc nội trú (trong bệnh viện) hoặc ngoại trú tại các trạm y tế xã.

Đến nay, hoạt động chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng nặng và cấp tính ở trẻ em cũng đang được nhân rộng nhanh bởi các chương trình do tổ chức phi chính phủ, Dự án Cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia) thực hiện.

Đến năm 2015, trên toàn quốc đã có 146 xã và 40 bệnh viện (tỉnh và huyện) triển khai việc chẩn đoán và điều trị trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính trên địa bàn 17 tỉnh khó khăn sử dụng bản hướng dẫn do Viện Dinh dưỡng và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc xây dựng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục