Bộ Y tế khuyến cáo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh cúm

09:56' - 03/02/2018
BNEWS Tại Việt Nam hiện nay, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương cũng đang có xu hướng tăng. Số trường hợp mắc bệnh cúm nhập viện đang gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối.
Nhân viên y tế chăm sóc điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN
Ngày 3/2, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, tình hình dịch cúm trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9); bùng phát dịch cúm mùa tại Mỹ và cúm A(H1N1) tại Triều Tiên. 

Tại Việt Nam hiện nay, tình hình bệnh cúm tại nhiều địa phương cũng đang có xu hướng tăng. Số trường hợp mắc bệnh cúm nhập viện đang gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối. Thời tiết mùa đông cũng là điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh cúm lây lan và bùng phát. 

Để chủ động phòng bệnh cúm, không để lan rộng kéo dài và giảm quá tải bệnh viện cũng như tình trạng lây chéo trong bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở các biện pháp phòng bệnh cúm; phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà; đến cơ sở y tế khi có diễn biến nặng. 

Để phòng bệnh, người dân cần hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan, khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang; tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi; giữ ấm cơ thể, tăng cường chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để phòng bệnh; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm với các chủng cúm đã có vắc xin. 

Các cơ sở điều trị tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh; thu dung, cách ly, cấp cứu, thiết lập khu vực riêng để điều trị cho người bệnh cúm; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây chéo trong bệnh viện. Đồng thời, các cơ sở điều trị cần phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao; kiểm soát chặt việc chỉ định dùng thuốc kháng vi rút, tránh tình trạng khan hiếm ảo và tình trạng kháng thuốc. 

Ngành y tế các địa phương phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban quản lý các khu công nghiêp hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục vào đào tạo phát hiện sớm người mắc cúm; trong trường hợp cần thiết có thể cho người lao động, sinh viên, học sinh nghỉ làm, nghỉ học để cách ly điều trị tránh lây lan… 

Sở y tế các tỉnh phối hợp cơ quan thú y và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ các ổ dịch cúm trên gia cầm, xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch, không để lây lan sang người; kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm ốm, chết nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc để phòng tránh bệnh cúm gia cầm. 

Ngành y tế cần chuẩn bị đầy đủ, hỗ trợ kịp thời vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, khu vực cách ly để sẵn sàng thu dung điều trị và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.../. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục