Boeing chậm bàn giao máy bay cho Trung Quốc

10:24' - 23/05/2024
BNEWS Một nguồn tin cho biết, việc bàn giao máy bay của Boeing cho Trung Quốc bị chậm trễ những tuần gần đây do Trung Quốc tiến hành đánh giá định kỳ về pin liên quan đến thiết bị ghi âm buồng lái (CVR).
Hãng sản xuất máy bay của Mỹ cho biết đang làm việc với các khách hàng Trung Quốc về thời gian bàn giao khi Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc hoàn tất việc đánh giá.

Boeing có khoảng 140 máy bay 737 MAX 8 trong kho, trong đó 85 chiếc của các khách hàng Trung Quốc. Hãng đã bàn giao 22 chiếc cho Trung Quốc trong năm 2024 (tính đến tháng 4), nhưng trong những tuần gần đây không bàn giao máy bay mới cho các khách hàng Trung Quốc do đợt kiểm tra.
 
Hiện chưa rõ cuộc kiểm tra kéo dài trong bao lâu và mức độ tác động đến các mục tiêu bàn giao máy bay của Boeing đến đâu.

Theo Boeing, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đã chứng nhận hệ thống CVR với thời gian ghi âm 25 giờ, lưu trữ nhiều dữ liệu hơn so với các phiên bản trước và đã được các nhà chức trách châu Âu chấp thuận.

Boeing hồi tháng 1/2024 đã nối lại việc bàn giao máy bay 737 MAX bán chạy nhất cho một hãng hàng không Trung Quốc, kết thúc gần 5 năm dừng nhập khẩu và dự kiến bàn giao đơn hàng tồn hàng chục chiếc MAX đã hoàn thành cho Trung Quốc.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên dừng hoạt động máy bay MAX sau hai vụ tai nạn vào năm 2018 và 2019, khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Quốc hội Trung Quốc trong tháng này đã thông qua quy định yêu cầu toàn bộ các máy bay được sản xuất trong tương lai sẽ phải được lắp đặt CVR 25 giờ.

Công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới Avia Solutions mới đây cảnh báo các khách hàng có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng hủy chuyến vào mùa Hè này do khủng hoảng an toàn tại Boeing khiến các hãng hàng không phải vật lộn để đảm bảo đủ máy bay.

Theo Avia, các hãng hàng không châu Âu có khả năng sẽ phải cắt giảm lịch trình bay trong những tháng tới.

Nguyên nhân gây ra tình trạng hủy chuyến được cho là do việc bàn giao máy bay cho các hãng hàng không bị chậm trễ sau sự cố tấm cửa sổ và một mảnh thân trên máy bay của Boeing nổ tung giữa không trung, làm dấy lên lo ngại về an toàn và gây ra chậm trễ sản xuất trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hậu COVID-19.

Ông Gediminas Ziemelis, Chủ tịch Avia có trụ sở tại Dublin, cho biết chúng ta đang chứng kiến nhu cầu cao vượt trội. Lần gần nhất xảy ra tình trạng tương tự như vậy là khi lưu lượng hành khách phục hồi sau sự kiện 11/9. Các hãng hàng không đang rất cần máy bay do các vấn đề sản xuất nhưng nguồn cung đã cạn kiệt.

Avia, công ty cho thuê máy bay theo hợp đồng ngắn hạn, cho biết họ dự kiến sẽ triển khai ít nhất 80% trong đội bay 212 chiếc tại châu Âu vào mùa Hè này khi các hãng hàng không đang chạy đua để giải quyết vấn đề thiếu hụt máy bay.

Ngoài những vấn đề liên quan đến Boeing, các hãng hàng không cũng bị ảnh hưởng bởi việc nhà sản xuất Pratt & Whitney thu hồi hàng trăm động cơ cho máy bay chặng ngắn của Airbus. Việc thiếu hụt máy bay khiến các hãng hàng không phải chạy đua để bổ sung năng lực dự phòng, ngày càng phụ thuộc vào thị trường thuê chuyến ướt (chỉ việc các hãng hàng không thuê cả tàu bay lẫn nhân lực phục vụ nhằm giải quyết bài toán phát triển của hãng hàng không trong thời gian ngắn hạn, chỉ vài tháng).

Tuy nhiên, ngay cả với sự hỗ trợ này, ông Ziemelis dự đoán một số hãng hàng không sẽ không thể đảm bảo đủ năng lực cần thiết để duy trì các chuyến bay theo kế hoạch.

Nghiên cứu của Avia cho thấy trong số khoảng 250 máy bay có sẵn cho thuê ngắn hạn trên khắp châu Âu, chỉ có tám chiếc chưa được các hãng hàng không đặt. Do đó, rất có thể các hãng hàng không vẫn thiếu máy bay sẽ buộc phải cắt giảm số lượng chuyến bay vào mùa Hè này.

Boeing đã báo lỗ 343 triệu USD trong quý đầu tiên của năm 2024, phản ánh những rắc rối về an toàn gần đây khiến việc sản xuất và giao hàng bị chậm lại.

Boeing đã tạm thời giảm sản lượng máy bay 737 bán chạy nhất của mình sau sự cố của một chiếc máy bay của hãng hàng không Alaska Airlines hồi tháng 1/2024, điều này đã làm dấy lên sự giám sát chặt chẽ từ các nhà quản lý Mỹ và cả khách hàng hàng không.

Máy bay 737 của Boeing cạnh tranh trực tiếp với dòng A320 của Airbus, và Airbus cho biết hãng đặt mục tiêu sản xuất 75 chiếc A320 mỗi năm vào năm 2026 và đang "đạt được tiến bộ" hướng tới mục tiêu đó sau khi giao trung bình 48 chiếc mỗi tháng trong năm 2023.

Airbus cũng cho biết nhà sản xuất này đang đẩy nhanh tốc độ sản xuất cho máy bay thân rộng A350 lên 12 chiếc mỗi tháng vào năm 2028, tăng so với mục tiêu trước đó là 10 chiếc vào năm 2026.

Hồi tháng 3/2024, Airbus đã giành được đơn đặt hàng 65 máy bay từ hai hãng hàng không châu Á vốn là khách hàng chủ chốt của Boeing trong khu vực. Đây được xem là chiến thắng của Airbus trước Boeing trong bối cảnh hãng chế tạo máy bay của Mỹ này đang đối mặt với các vấn đề về chất lượng sau sự cố bung cửa trên máy bay 737 MAX 9.

Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản cho biết dự kiến mua 21 máy bay thân rộng A350-900 và 11 máy bay thân hẹp A321neo của Airbus. Đơn đặt hàng từ hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản cho phép Airbus tăng thị phần tại thị trường lâu năm của Boeing. Nhưng JAL cũng cho biết sẽ mua 10 máy bay Boeing 787 Dreamliner.

Còn hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc Korean Air cũng cho biết sẽ đặt mua 33 máy bay A350 theo hợp đồng trị giá 13,7 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Korean Air đặt mua dòng máy bay này khi hãng chuẩn bị sáp nhập với Asiana Airlines, một hãng hàng không khác của Hàn Quốc.

Airbus đang gia tăng thị phần máy bay một lối đi A321neo trong bối cảnh Boeing đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về chất lượng liên quan đến dòng máy bay 737 MAX, trong đó có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng vào năm 2018 và 2019. 

Giới chuyên gia nhận định, những đơn hàng mới của hai hãng hàng không nói trên cho thấy nhu cầu mạnh mẽ về máy bay thân rộng, đặc biệt là từ các hãng vận tải hàng không châu Á và Trung Đông, trong bối cảnh du lịch quốc tế gần hồi phục hoàn toàn sau thời gian dài sụt giảm.

Boeing cho biết hãng chiếm 65% thị phần tại thị trường Đông Bắc Á. Trong khi đó, Airbus cho biết dòng máy bay A350 của hãng tiêu thụ nhiên liệu ít hơn 25% so với các máy bay thế hệ cũ tương tự.

Song cả Boeing và Airbus đều đang gặp khó khăn trong việc giao hàng đúng hạn do gặp phải sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là tình trạng chung của các nhà sản xuất máy bay, hiện đang nợ nhiều đơn hàng do thiếu phụ tùng, thiếu lao động lành nghề, trong bối cảnh ngành du lịch thế giới phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Nhà phân tích hàng không Shukor Yusof cho rằng các hãng sản xuất máy bay sẽ gặp khó khăn do tình trạng thiếu lao động và nguyên liệu thô vẫn đang diễn ra. Ngoài ra, những vấn đề về hậu cần, cũng như chi phí năng lượng vẫn tiếp tục gia tăng, dẫn đến việc khó đạt được năng suất chế tạo cao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục