BoJ không thay đổi chính sách tiền tệ hiện hành

18:23' - 16/06/2016
BNEWS Kết thúc cuộc họp trong hai ngày 15-16/6, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ hiện hành
BoJ không thay đổi chính sách tiền tệ hiện hành. Ảnh: reuters

Kết thúc cuộc họp trong hai ngày 15-16/6, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ hiện hành, trong bối cảnh vẫn chưa rõ liệu nước Anh sẽ ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) và BoJ muốn chờ chính sách đang thực hiện phát huy tác dụng.

Theo đó, BoJ tiếp tục thực hiện chính sách tăng lượng cung tiền cơ bản khoảng 80.000 tỷ yen (753 tỷ USD) hàng năm thông qua chương trình mua tài sản.

Duy trì chính sách lãi suất âm, BoJ tiếp tục áp mức lãi suất 0,1% đối với lượng tiền dự trữ được các tổ chức tài chính gửi tại BoJ.

BoJ lạc quan nhận định rằng kinh tế Nhật Bản “tiếp tục xu hướng phục hồi vừa phải”, mặc dù kim ngạch xuất khẩu và sản xuất vẫn trì trệ do các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm.

Cuộc họp của BoJ diễn ra trong một thời điểm khó khăn, khi đồng yen gần đây tăng giá mạnh so với đồng USD và đồng euro, và một số ngân hàng Nhật Bản bày tỏ quan ngại chính sách lãi suất âm khiến lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã xuống tới mức thấp kỷ lục.

Sau quyết định trên của BoJ, đồng yen tăng giá hơn 1% so với USD lên 104,53 yen đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014.

Trong khi đó, đồng euro cũng giảm giá so với đồng yen xuống 1 euro đổi 117,84 yen, so với mức 119,17 yen trước khi có quyết định của BoJ, và là mức thấp nhất trong hơn ba năm qua.

Đồng yen tăng giá mạnh có thể ảnh hưởng đến doanh thu của các doanh nghiệp, và là tín hiệu xấu cho những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản và BoJ nhằm đưa nước này ra khỏi tình trạng giảm phát kinh niên.

Kinh tế Nhật Bản đã tránh được suy thoái trong quý I vừa qua, nhưng các chuyên gia kinh tế nhận định chi tiêu tiêu dùng cá nhân vẫn yếu và dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức khiêm tốn trong quý hiện tại.

Giá tiêu dùng lõi giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Tư, gây khó khăn hơn cho BoJ trong việc đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Một số nhà phân tích cho rằng BoJ có thể hành động tại cuộc họp lần tới vào tháng Bảy, khi cuộc trưng cầu dân ý tại nước Anh đã qua và đã có câu trả lời cho việc "xứ sở sương mù" ra đi hay ở lại EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục