BoJ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng

12:34' - 21/12/2017
BNEWS Động thái này của BoJ đi ngược lại xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương khác, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngày 21/12, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%, đồng thời tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện hành bất chấp nền kinh tế đang có dấu hiệu đi lên mạnh hơn.

Ngân hàng này cũng cho biết rằng họ không vội vàng kết thúc các gói kích thích kinh tế được tiến hành kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 do lạm phát vẫn còn cách xa mức mục tiêu 2%.

Động thái này của BoJ đi ngược lại xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương khác, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Hồi tuần trước, Fed đã nâng lãi suất lần thứ ba trong năm nay, còn ECB đã có kế hoạch cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu chính phủ xuống còn một nửa vào tháng 1/2018 tới.

Ngoài ra, BOJ đã điều chỉnh mức đánh giá đối với chi tiêu tiêu dùng cá nhân và đầu tư của các công ty hay doanh nghiệp, thể hiện lòng tin rằng sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang có đà.

Theo thông báo, hoạt động đầu tư tiếp tục xu hướng gia tăng giữa bối cảnh lợi nhuận cũng như lòng tin của các doanh nghiệp đều được cải thiện. Nhận định này lạc quan hơn hẳn so với hồi tháng 10, khi BoJ cho hay chi tiêu doanh nghiệp tiếp tục xu hướng “trầm lắng”.

Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách của BOJ gần đây đã bày tỏ mối lo ngại về những điểm yếu của chính sách tiền tệ nới lỏng, chẳng hạn như ảnh hưởng tới tỷ lệ lợi nhuận của các ngân hàng. Đây là những dấu hiệu cho thấy BoJ có thể cân nhắc giảm tốc chương trình mua tài sản trong năm tới.

Trước đó, số liệu chính thức từ Chính phủ Nhật Bản cho hay nền kinh tế của nước này trong quý III/2017 đã đạt mức tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là quý tăng trưởng thứ 7 liên tiếp, cũng là chuỗi tăng trưởng ấn tượng nhất kể từ năm 1994 của nền kinh tế hàng đầu ở châu Á này.

Tuy nhiên lạm phát tiêu dùng lõi (không tính giá nhiên liệu và lương thực dễ biến động) của Nhật Bản vẫn ở mức 0,8% và thấp hơn mục tiêu 2% do BoJ đề ra.

>>> Thách thức trong bãi bỏ chương trình kích thích khổng lồ của BoJ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục