Bốn cách cải thiện giáo dục ở Đông Nam Á

11:08' - 13/10/2024
BNEWS Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang gặp khoảng cách lớn về giáo dục so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Theo báo cáo từ các tác giả Ryotaro Hayashi, Yumiko Yamakawa, và Yorihisa Ohneda của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhiều quốc gia Đông Nam Á đang gặp khoảng cách lớn về giáo dục so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là mức chuẩn mà nhiều quốc gia phát triển hướng đến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Kết luận này dựa trên kết quả năm 2022 của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), một khảo sát toàn cầu do OECD thực hiện để đánh giá hiệu quả giáo dục của học sinh 15 tuổi. PISA cung cấp hiểu biết quan trọng giúp các nước Đông Nam Á cải thiện kết quả học tập thông qua việc tập trung vào các kỹ năng cơ bản, tận dụng dữ liệu đánh giá và trao quyền cho các nhà giáo dục.

Theo đó, có bốn chiến lược chính để các quốc gia Đông Nam Á cải thiện giáo dục. Đầu tiên là sử dụng kết quả đánh giá quốc gia và quốc tế, chẳng hạn như PISA, để tạo trách nhiệm. Indonesia là một ví dụ điển hình. Chính sách phân cấp khiến việc theo dõi tiến độ cải cách giáo dục gặp nhiều thách thức, nhưng PISA đã hỗ trợ bằng cách kiểm tra định kỳ ba năm một lần. Kết quả là, Indonesia đã thành công trong việc duy trì các thành tích ổn định khi các trường học trải qua chính sách phân cấp kết hợp với việc mở rộng nhanh chóng số lượng học sinh ghi danh. Tuy nhiên, cần áp dụng rộng rãi hơn các thực tiễn giáo dục hiệu quả giữa các địa phương để thu hẹp khoảng cách về thành tích.

Thứ hai, tập trung vào kỹ năng nền tảng, chẳng hạn như số học và đọc viết, trong chương trình giáo dục tiểu học. Việt Nam là ví dụ tiêu biểu khi điểm toán PISA năm 2022 của đất nước gần đạt mức trung bình của OECD. Việt Nam đã tập trung chiến lược này, giúp học sinh hiểu sâu hơn về các khái niệm cốt lõi. Họ cũng có các trường đại học chất lượng cao để phát triển và đào tạo giáo viên để đưa trọng tâm chiến lược này vào thực tế. Mặc dù ngân sách giáo dục thấp hơn nhiều so với các nước OECD, nhưng chi tiêu cho giáo dục ổn định theo thời gian đã giúp Việt Nam duy trì trọng tâm này.

Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy rằng tư duy bậc cao và kỹ năng giải quyết vấn đề, được đánh giá bằng PISA, đòi hỏi các nền tảng vững chắc được phát triển sớm trong hệ thống giáo dục. Khoản đầu tư này không chuyển thành sự cải thiện ngay lập tức nhưng đây là lĩnh vực đầu tư quan trọng đối với các nước đang phát triển để tạo ra sự khác biệt trong từ trung hạn đến dài hạn.

Thứ ba, cải thiện chất lượng đánh giá bằng cách nghiên cứu kỹ PISA. PISA là một đánh giá độc đáo được thiết kế để kiểm tra khả năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề trong bối cảnh thực tế và các quốc gia có thành tích PISA cao như Nhật Bản đã có sự chuẩn bị tốt. Ví dụ, tỉnh Saitama, một trong 47 tỉnh của Nhật Bản nằm cạnh Tokyo, đã cải thiện chất lượng câu hỏi trong các kỳ thi có mức độ cạnh tranh cao và đưa ra bảng câu hỏi về các kỹ năng phi nhận thức (ví dụ như kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp) bằng cách nghiên cứu PISA.

Thứ tư, trao quyền cho giáo viên và hiệu trưởng. Ngày nay, tỉnh Saitama được coi là một trong những tỉnh có thành tích cao tại Nhật Bản nhưng 10 năm trước, tỉnh này đã phải vật lộn với thứ hạng thấp hơn về thành tích học tập. Một trong những bí quyết thành công là trực quan hóa kết quả đánh giá. Việc trực quan hóa dữ liệu có thể thúc đẩy các nhà giáo dục hành động nhiều hơn nữa để học sinh phát triển. Điều quan trọng là giáo viên phải cảm nhận được tác động của sự thay đổi một cách nhanh chóng. Điều này tương tự như Singapore, nơi nổi tiếng với đội ngũ giáo viên chất lượng cao và sự lãnh đạo mạnh mẽ của hiệu trưởng nhà trường. Họ được đào tạo bài bản, với sự hỗ trợ của chính phủ, để rút ra những hàm ý từ dữ liệu đánh giá.

Tuy nhiên, chỉ số học tập không phải là yếu tố duy nhất trong đánh giá hệ thống giáo dục. Các nước Đông Nam Á đạt thành tích cao trong các yếu tố phi nhận thức như sức khỏe tâm lý học sinh. PISA có thể là một công cụ quan trọng để cung cấp dữ liệu, nhưng chương trình này chỉ là một phần trong sứ mệnh cốt lõi là cải thiện kết quả giáo dục trong khu vực. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục