Bốn cơ quan báo chí chủ lực gặp mặt, tri ân cán bộ, nhà giáo ngành Giáo dục

22:17' - 17/11/2023
BNEWS Bốn cơ quan báo chí gồm Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ ngành Giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) do bốn cơ quan báo chí: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức đã diễn ra chiều 17/11, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Hà Nội).

Tham dự chương trình có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ, Hội cựu giáo chức Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo bốn cơ quan báo chí và hơn 30 thầy cô giáo tiêu biểu đang trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng; trường phổ thông vùng khó khăn trên cả nước.

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ: Các thế hệ nhà giáo đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn giữ vững ngọn lửa đam mê; là tấm gương sáng, tận tụy, tâm huyết với nghề. Có những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.

Các nhà giáo cũng được xã hội tôn vinh, trân trọng bởi luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất, tinh thần sáng tạo không ngừng, tiên phong trong việc phát triển tri thức, đổi mới sáng tạo, vững vàng về tư tưởng, mẫu mực về đạo đức, nhân cách, đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội và hết lòng vì học sinh thân yêu. Các nhà giáo dạy bảo, dẫn dắt, chỉ đường cho lớp lớp học trò lớn lên, trưởng thành, vươn lên chinh phục những đỉnh cao tri thức và đóng góp cho xã hội.

Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ với những khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục. Đó là cơ chế, chính sách chưa đồng bộ; nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu; thiếu cơ sở vật chất trường, lớp học, thiếu giáo viên; và đâu đó còn có sự chưa chia sẻ, thấu hiểu, hợp tác với đội ngũ nhà giáo trong đổi mới giáo dục của xã hội, các bậc phụ huynh.

Quá trình đổi mới giáo dục của đất nước ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khi hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được hoàn thành; chương trình giáo dục phổ thông 2018 từng bước được triển khai hiệu quả; tự chủ trong giáo dục đại học ngày càng được nhân rộng… Để có được những thành công đó, đội ngũ nhà giáo được xác định là một trong những yếu tố có tính quyết định.

Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết: Những năm qua, bốn cơ quan báo chí gồm Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, bốn cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành cũng như của các thầy cô giáo; đồng thời là cầu nối, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin trong xã hội.

Gửi lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí trong chương trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ vui mừng và cảm động khi lần đầu tiên, bốn cơ quan báo chí lớn của đất nước tổ chức chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ ngành giáo dục - một cuộc gặp gỡ ấm áp và gần gũi.

"Ngày 20/11 hay nói là ngày cả xã hội tri ân các nhà giáo, nhưng chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, chọn ngày 20/11 để nói lời cảm ơn với toàn xã hội và với cuộc đời, vì đã mang đến cho chúng ta nghề vinh quang, cao quý. Đây cũng là dịp những người làm công tác giáo dục cùng nhìn lại mình để cố gắng sao cho xứng đáng với tình cảm của toàn xã hội dành cho nhà giáo"- Bộ trưởng chia sẻ.

Ngành Giáo dục đang bước vào công cuộc đổi mới, cải cách sâu rộng, thay đổi sâu sắc từ quan điểm, triết lý đến cách tiếp cận theo hướng mới của một nền giáo dục tiên tiến. Việc ấy lớn và khó, lại diễn ra trong thời điểm dịch COVID-19 nên sự khó nhọc và thách thức càng tăng thêm. Đi qua đại dịch, những lớp học được duy trì, nền giáo dục nước ta không đứt gãy mà còn thực hiện cuộc đổi mới giáo dục lớn. Trong sự nghiệp đổi mới ấy, có sự cố gắng vượt bậc của hơn 1,6 triệu nhà giáo đã nỗ lực, miệt mài, hy sinh để tạo ra những kết quả còn có phần khiêm tốn như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng: Trong công cuộc đổi mới sâu sắc và toàn diện hiện nay, không thể dùng những kinh nghiệm cũ, những trải nghiệm đã qua, … Trường học ngày nay không còn như trước đây, ranh giới giữa trường học và cuộc đời không còn ngăn trong những bức tường, không còn khoảng cách. Không gian số đã thay đổi trường học, vị thế người thầy cũng không còn như trước đây – hình ảnh của một nhà giáo uyên bác biết mười dạy một, sẽ không còn đáp ứng được khi tri thức và sự gia tăng hiểu biết của nhân loại theo cấp số nhân hàng ngày. Người thầy đang chuyển sang vai trò của những người tổ chức, dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ cho học sinh để hình thành các phẩm chất, năng lực và kỹ năng.

Muốn vậy, nhà giáo phải tự hình thành cho mình trước những phẩm chất, năng lực mới. Những nguyên lý bất biến của giáo dục không mất đi, nhưng đang đổi mới, trường học đang đổi mới.

Vì vậy, Bộ trưởng mong báo chí hãy đổi mới cùng ngành giáo dục, thay đổi trong cách nhìn về giáo dục thì sự chia sẻ, thấu hiểu sẽ sâu sắc hơn. Trong những năm đổi mới vừa qua, nếu không có sự đồng hành của báo chí, chắc chắn ngành Giáo dục không làm được những việc kể trên. Đặc biệt, các phóng viên giáo dục, các cơ quan báo chí thấu hiểu hơn nữa, đồng hành hơn nữa để báo chí thực sự là người đồng hành, “bà đỡ” cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Thay mặt những người làm báo của các cơ quan báo chí chủ lực đồng tổ chức sự kiện, bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam gửi lời chúc mừng và lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô và những cán bộ làm công tác giáo dục – đào tạo.

Tổng Giám đốc TTXVN chia sẻ: Với nhiệm vụ lan tỏa và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong xã hội, các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành cùng các thầy, cô trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Thông tin về ngành giáo dục và đào tạo là một nội dung quan trọng của các cơ quan báo chí. Ở một góc nhìn khác, người làm báo cũng luôn có được nguồn năng lượng tích cực, cảm hứng và cả những trăn trở khi khi tác nghiệp những đề tài về các thầy cô giáo. Đó là hình ảnh các thầy, cô ở các vùng miền trên cả nước, trong từng lĩnh vực giảng dạy miệt mài vì sự tiến bộ của học trò.

Dẫu biết rằng khó khăn vẫn còn nhiều, một số lĩnh vực còn chưa theo kịp sự phát triển vô cùng nhanh chóng của xã hội, của công nghệ số, nhưng các thầy, cô đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành nhiệm vụ. Đại dịch COVID-19 đã một lần nữa cho thấy điều này khi học sinh không đến trường nhưng không dừng việc dạy và việc học. Và ngay cả trong ngày hôm nay, các thầy cô giáo ở Thừa Thiên-Huế cũng gác lại các hoạt động tôn vinh nghề nghiệp để dọn dẹp lại trường lớp sau những cơn mưa lớn để học sinh có thể trở lại trường sớm nhất.

Thông tin báo chí cũng góp phần làm rõ những chủ trương, chính sách, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội để cùng quyết tâm thực hiện những đổi mới trong ngành giáo dục để giáo dục Việt Nam phát huy được nguyên khí hiền tài đất nước và hội nhập với nền giáo dục quốc tế hiện đại. Bên cạnh đó, thông tin báo chí đã phản ánh khách quan thực trạng của những hạn chế, bất cập gây cản trở sự phát triển của hoạt động giáo dục và sự tận tâm cống hiến của các nhà giáo. Qua đó, các cấp, các ngành phải cùng chung tay để có giải pháp tháo gỡ.

Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang giới thiệu với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về trưng bày những hình ảnh tiêu biểu của ngành giáo dục do TTXVN thực hiện. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Nhân dịp này, lãnh đạo TTXVN gửi lời cảm ơn đến các cán bộ trong ngành giáo dục đã luôn phối hợp hiệu quả để TTXVN hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền. 

Trong chương trình, đại diện các thầy cô giáo ở các cấp học đã chia sẻ những câu chuyện cảm động và đầy tâm huyết về hành trình dạy học của mình. Đó là hành trình gieo mầm tri thức của những thầy cô đang nỗ lực không ngừng bám bản, bám trường ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, như cô giáo H’Phen ÊYa, giáo viên Trường Mầm non  Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông; cô Đặng Thị Nụ, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; cô giáo Hoàng Thị Thưu, Trường Tiểu học Hương Liên, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh… Hay câu chuyện của thầy giáo Vương Trường Sơn, giáo viên Trường Trung học Phổ thông chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang với nhiều năm tham gia phát hiện, bồi dưỡng, tuyển chọn học sinh giỏi; thầy giáo Nguyễn Văn Lên, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với nỗ lực phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên… Nỗ lực của các thầy cô giáo đã nhân lên những hình ảnh đẹp về người thầy mà cả xã hội đều tôn kính, trân trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục