Bốn trụ cột phát triển kinh tế số tại Ninh Thuận

16:07' - 24/09/2024
BNEWS Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận thông tin, về kinh tế số, Ninh Thuận phát triển trên 4 trụ cột gồm công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.

Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), sáng 24/9, tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số năm 2024 với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên nhấn mạnh, hội thảo là dịp để cán bộ, lãnh đạo các cấp, cộng đồng người dân, doanh nghiệp cùng tham gia cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, từ đó giúp hình thành tầm nhìn dài hạn cho quá trình chuyển đổi số ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Hội thảo cung cấp những vấn đề cơ bản nhằm thống nhất về nhận thức làm cơ sở để toàn hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - hội của địa phương.

Các đại biểu đã trao đổi, tham luận về việc triển khai không dùng tiền mặt; giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hệ sinh thái nông nghiệp số; hạ tầng công nghệ thông tin điện toán đám mây; nguy cơ đe dọa an ninh mạng. Đồng thời, các đại biểu chia sẻ về các giải pháp số hóa, dữ liệu nền tảng số; hệ thống kết nối internet vạn vật (IoT); giải pháp chuyển đổi số hộ tiểu thương, hộ kinh doanh và hệ thống chuyển đổi số khu phố, thôn, ấp; an toàn dữ liệu trong thời đại trí tuệ nhân tạo; giải pháp thông báo thông minh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận Đào Xuân Kỳ thông tin, về kinh tế số, Ninh Thuận phát triển trên 4 trụ cột gồm công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số. Tỉnh đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây trong toàn tỉnh; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 4 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ninh Thuận đã thành lập 446 tổ chuyển đổi số cộng đồng với 2.439 thành viên. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư. Tỉnh đã triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm...

Ôg Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho hay, thời gian qua, ngành Ngân hàng Ninh Thuận đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và kinh tế địa phương. Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; tăng khả năng kết nối liên thông, tích hợp dịch vụ giữa ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác...

Tiến sĩ Phạm Ngọc Minh, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu rõ: Công nghệ internet vạn vật hứa hẹn mang đến nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, y tế, nông nghiệp và sản xuất. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của internet thường đi cùng với nguy cơ an ninh mạng ngày càng cao. Các cuộc tấn công và lỗ hổng bảo mật trong thiết bị internet vạn vật đe dọa đến tính bảo mật của dữ liệu và hệ thống. Do đó, việc đầu tư các giải pháp bảo mật tiên tiến và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế là cần thiết, giúp tăng cường sự tin tưởng và đảm bảo an toàn cho hệ thống kết nối internet vạn vật trong tương lai.

Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP. Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực. Tỉnh có chính sách hỗ trợ với các mô hình kinh doanh mới; nâng cấp mạng 4G, đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G; đẩy nhanh tỷ lệ sử dụng giao thức internet thế hệ mới IPv6; phát triển hạ tầng phục vụ hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống thanh toán. Tỉnh cũng tăng cường thúc đẩy các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về đào tạo nhân lực chuyển đổi số; khuyến khích doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia hoạt động kinh tế số để tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục