Brazil đồng ý nhập khẩu bột mỳ biến đổi gen của Argentina

07:38' - 13/11/2021
BNEWS Ủy ban kỹ thuật an ninh sinh học quốc gia Brazil (CTNBio) đã cấp phép nhập khẩu bột mỳ có nguồn gốc từ giống lúa mỳ biến đổi gen HB4 do tập đoàn sinh học Bioceres của Argentina phát triển.

Theo phóng viên TTXVN tại Argentina, quyết định của CTNBio đánh dấu một cột mốc có ý nghĩa quan trọng đối với chuỗi cung ứng mặt hàng nông sản này trên toàn cầu.

 

Trước đó, Argentina - quốc gia đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu loại ngũ cốc này - là nước đầu tiên trên thế giới cho phép trồng và tiêu thụ lúa mỳ biến đổi gen.

Vào tháng 10/2020, Ủy ban khoa học và kỹ thuật (CONICET) thuộc Bộ Nông nghiệp Argentina đã phê duyệt đưa vào sản xuất và tiêu thụ giống lúa mỳ biến đổi gen HB4 có khả năng chịu hạn tốt .

Brazil hiện là thị trường nhập khẩu lúa mỳ chủ chốt của Argentina. Tính từ đầu năm nay đến cuối tháng 10 vừa qua, Argentina đã bán sang quốc gia láng giềng gần 50% trong tổng số 8,4 triệu tấn lúa mỳ xuất khẩu của nước này.

Theo các chuyên gia, việc CTNBio phê duyệt nhập khẩu bột mỳ từ lúa mỳ biến đổi gen có thể gây ra tranh cãi về vấn đề có nên chấp nhận lúa mỳ biến đổi gen trong bối cảnh giá lương thực có xu hướng tăng và những lo ngại về điều kiện thời tiết khắc nghiệt đe dọa an ninh lương thực.

Các giống đậu nành và ngô biến đổi gen từ lâu đã được thị trường chấp nhận, tuy nhiên việc tiếp nhận lúa mỳ biến đổi gen và việc sử dụng các chế phẩm để làm bánh mỳ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Quyết định của CTNBio ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Hiệp hội các doanh nghiệp xay xát lúa mỳ Brazil (Abitrigo).

Hiệp hội này khẳng định sẽ yêu cầu Văn phòng phủ Tổng thống Brazil triệu tập một ủy ban an toàn sinh học quốc gia để xem xét quyết định của CTNBio. Vào tháng trước, Abitrigo đã đe dọa sẽ không mua thêm lúa mỳ của Argentina nếu CTNBio chấp thuận nhập khẩu giống lúa mỳ HB4.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Ngũ cốc (CEC) của Argentina, Gustavo Idigoras, nhận định điều quan trọng là thị trường Brazil muốn gì và có vẻ như người tiêu dùng Brazil không mong muốn lúa mỳ biến đổi gen.

Cùng quan điểm trên, Santiago del Solar, một nông dân trồng lúa mì ở tỉnh Buenos Aires, cho rằng quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay các nhà máy và người tiêu dùng ở Brazil.

Ông Solar chia sẻ việc cơ quan quản lý Brazil chấp nhận lúa mỳ biến đổi gen là một tin mừng. Tuy nhiên, các nhà máy xay xát và người tiêu dùng mới là khách hàng. Nếu họ không chấp nhận lúa mỳ biến đổi gen, nông dân Argentina sẽ vẫn đối mặt với khó khăn lớn.

Theo Bioceres, giống lúa mỳ HB4 cho năng suất ổn định và có thể mang lại những lợi ích môi trường quan trọng nhờ được phát triển bằng công nghệ đặc biệt. Với việc đưa ra các thỏa thuận ưu đãi thương mại, tập đoàn này đã thuyết phục người nông dân Argentina đẩy mạnh việc sản xuất giống lúa mỳ HB4. Hiện có khoảng 55.000 ha trồng loại lúa mỳ biến đổi gen này tại Argentina.

Giám đốc điều hành Bioceres Federico Trucco khẳng định việc HB4 có thành công về mặt thương mại hay không phụ thuộc vào khả năng giống lúa này được tiếp nhận ở Brazil. Ông Trucco thừa nhận việc thuyết phục được thị trường Brazil có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Nông nghiệp Argentina Julian Dominguez mới đây khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học. Theo ông Domínguez, công nghệ sinh học giúp đẩy mạnh năng lực sản xuất các loại nông sản chất lượng cao của Argentina, đồng thời giúp ngành nông nghiệp nước này khắc phục những khó khăn do vấn đề bất ổn thời tiết gây ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục