Brexit: Anh không phải là nước đóng kinh phí nhiều nhất trong EU

19:00' - 06/07/2016
BNEWS Từ năm 1984, khi London đạt được thỏa thuận về giảm mức đóng kinh phí, tỷ lệ đóng góp của Anh chỉ còn khoảng 0,23 % tổng thu nhập của nước này.
Anh không phải là nước đóng kinh phí nhiều nhất trong EU. Ảnh: telegraph

Anh không phải là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) bởi từ năm 1984, khi London đạt được thỏa thuận về giảm mức đóng kinh phí, tỷ lệ đóng góp của Anh chỉ còn khoảng 0,23 % tổng thu nhập của nước này.

Phóng viên TTXVN tại Pháp dẫn tờ Le Figaro, cho biết ngân sách EU năm 2015 đã lên đến 162 tỷ euro.

Theo dự kiến, ngân sách tổng thể sẽ xấp xỉ 155 tỷ euro trong năm 2016. Số tiền này tương đương 1% tổng sản phẩm nội địa hàng năm của cả khối, chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm (46% ngân sách).

Một phần quan trọng cũng được dùng để trợ giúp lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, ngân sách cũng được dùng để cải thiện việc kết nối mạng lưới giao thông, phát triển năng lượng và thông tin liên lạc, thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác khoa học. Các chi phí thường xuyên chiếm khoảng 6% tổng ngân sách.

Trong năm 2014, khoảng 81% ngân sách EU (tương đương 116,5 tỷ euro) là đóng góp của các nước thành viên, được tính toán dựa trên tổng thu nhập nội địa của từng nước. Phần còn lại là từ đánh thuế hàng nhập khẩu vào EU và một phần nhỏ thuế giá trị gia tăng (VAT).

Trong ngân sách này, Anh là nước đóng góp đứng hàng thứ 4 với 11,3 tỷ euro. Đức là nước đóng góp nhiều nhất với 25,9 tỷ euro, tương đương 22,2% ngân sách.

Tiếp theo là Pháp với 19,5 tỷ euro (tương đương 16,8% ngân sách); đứng thứ ba là Italy với 14,4 tỷ đồng (12,3%). Tuy nhiên, EU cũng đã chuyển lại cho Anh 6,4 tỷ dưới hình thức hỗ trợ.

Pháp là nước đứng thứ hai xét theo giá trị các khoản hỗ trợ của EU với 12,4 tỷ euro, sau Ba Lan là nước nhận được hỗ trợ cao nhất (17,3 tỷ) và trước Tây Ban Nha (11 tỷ).

Nếu so sánh các khoản đóng góp và phần hỗ trợ nhận về thì các nước “lớn” như Đức, Pháp và Anh đều nhận được ít hơn phần đóng góp. Phần chênh lệch này được giải thích là “tình đoàn kết” trong khối.

Cụ thể, Đức “thâm hụt” khoảng 15 tỷ euro, tiếp theo là Pháp với 7,2 tỷ euro và Anh, 5 tỷ euro. Ba Lan được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi Hungary và Hy Lạp mỗi nước chỉ nhận được khoảng 5 tỷ.

Tuy nhiên, nếu so sánh theo quy mô nền kinh tế, thì trật tự này thay đổi. Hungary, Bulgaria, Litva và Ba Lan là những nước được hưởng lợi nhiều nhất. Ngược lại, Hà Lan là nước thể hiện tình đoàn kết châu Âu cao nhất, tiếp theo là Thụy Điển, Đức và Phần Lan. Pháp đứng ở vị trí thứ 7 và Anh đứng ở hàng thứ 10. 

Kể từ năm 1984, sau khi Anh giảm mức đóng góp, một số nước phải đóng góp vào phần thiếu hụt đó ngoài khoản nghĩa vụ riêng.

Năm ngoái, Pháp đã phải chi 1,6 tỉ euro cho khoản đóng góp bổ sung này và trở thành nước đóng góp nhiều nhất cho khoản tiền có tên “đóng góp của Anh”.

Pháp đã nhiều lần yêu cầu EU quy định mức trần cho khoản đóng góp này, tuy nhiên, đề nghị của Pháp đã không được chấp nhận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục