BSR bán hết cổ phần với giá bình quân 23.043 đồng/cổ phần

18:59' - 17/01/2018
BNEWS Toàn bộ hơn 241,5 triệu cổ phần của BSR được bán hết cho 623 nhà đầu tư và mức giá đặt mua thành công bình quân là 23.043 đồng/cổ phần trong đó 62 nhà đầu tư là tổ chức và 561 nhà đầu tư là cá nhân.
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Ảnh: Lọc hóa dầu Bình Sơn

Ngày 17/1, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức phiên bán đấu giá công khai lần đầu ra công chúng (IPO), gồm 7,79% vốn điều lệ, tương đương hơn 241,5 triệu cổ phần.

Phiên chào bán đã kết thúc thành công, với kết quả toàn bộ hơn 241,5 triệu cổ phần của BSR đã được bán hết cho 623 nhà đầu tư và mức giá đặt mua thành công bình quân là 23.043 đồng/cổ phần; trong đó 62 nhà đầu tư là tổ chức và 561 nhà đầu tư là cá nhân, đặc biệt có một nhà đầu tư nước ngoài mua thành công 147,83 triệu cổ phiếu (tương đương 61,2% tổng số cổ phần chào bán).

Trước đó, BSR công bố chào bán hơn 241,5 triệu cổ phần, với mức giá khởi điểm là 14.600 đồng/cổ phiếu. Tổng số nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá là 4.079 nhà đầu tư là các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, với khối lượng đăng ký 651.789.522 cổ phần (gấp 2,7 lần số lượng chào bán).

Theo phương án cổ phần hóa, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ nắm giữ 43% vốn điều lệ của BSR; đấu giá công khai hơn 241,5 triệu cổ phần, chiếm 7,79% vốn; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6,5 triệu cổ phần và chào bán cho cổ đông chiến lược 49%, tương đương 1,52 tỷ cổ phiếu. Cụ thể, trong thời gian tới BSR sẽ tiếp tục thực hiện bán cho nhà đầu tư chiến lược 49% và dự kiến thu về cho Nhà nước gần 1 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng Thành viên BSR cho hay, Công ty đang lựa chọn cổ đông chiến lược vì thế thời điểm này BSR chưa chốt danh sách.

Đặc biệt, BSR sẽ phải bàn thảo rất kỹ lưỡng với các đối tác về những chiến lược hợp tác cụ thể; trong đó tiêu chí ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo năng lực tài chính, vốn chủ sở hữu tối thiểu 10.000 tỷ đồng cùng ngành nghề lĩnh vực lọc hóa dầu, xăng dầu…

Đồng thời, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hai năm gần nhất có lãi và không có lỗ lũy kế, cam kết tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính, không chuyển nhượng cổ phần được mua, có hệ thống phân phối xăng dầu…

BSR là đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, cung cấp 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Nhà máy cũng lên kế hoạch nâng cấp mở rộng vào năm 2021 để tăng công suất chế biến lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm. Nhà máy đang hoạt động từ 105% - 110% công suất và dự án nâng cấp mở rộng dự kiến tăng công suất thêm 30% sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2022.

Hiện nay, BSR đã hoàn thành thiết kế tổng thể, mua bản quyền công nghệ, tổ chức đấu thầu sơ tuyển, lựa chọn nhà thầu xây lắp giai đoạn 1, giải phóng mặt bằng…

Chính vì vậy, năm 2018 dự kiến doanh thu thuần của BSR đạt 102.217 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 8.341 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty sẽ tăng dần lên và đạt 8.737 tỷ đồng vào năm 2021. BSR là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa (3,2 tỷ USD).

Riêng năm 2017, BSR chiếm 16% doanh thu toàn PVN, nộp ngân sách Nhà nước chiếm 10% PVN và đóng góp 33% lợi nhuận toàn PVN.

>>> BSR được trao giải thưởng Môi trường Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục