BSR thành công trong chế biến dầu và sản xuất nhiên liệu hàng hải

15:36' - 23/11/2019
BNEWS Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã thành công trong việc chế biến một số loại dầu thô mới nhập khẩu và chuẩn bị xuất bán lô sản phẩm dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) đầu tiên.
Tàu nhập dầu thô tại phao rót dầu không bến (SPM) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã thành công trong việc chế biến một số loại dầu thô mới nhập khẩu và chuẩn bị xuất bán lô sản phẩm dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) đầu tiên.

*Chế biến thành công 19 loại dầu thô mới

Theo BSR, nhằm thực hiện chiến lược đa dạng nguồn dầu thô, bổ sung cho nguồn dầu thô Bạch Hổ và các nguồn dầu thô nội địa khác đang ngày càng giảm về sản lượng, Công ty đã liên tục nghiên cứu, đánh giá các loại dầu thô nhập khẩu tiềm năng mới để đưa vào chế biến thử nghiệm, chế biến dài hạn tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Tính đến thời điểm hiện tại, BSR đã chế biến thử nghiệm thành công 19 loại dầu thô mới (7 loại dầu thô trong nước và 12 loại dầu thô nhập khẩu). Trong năm 2019, BSR đã đưa 2 loại dầu thô mới vào chế biến là dầu WTI Midland (Mỹ) và dầu Bonny Light (Nigeria).

Dầu thô WTI Midland có nguồn gốc từ Mỹ, sản lượng ước tính đạt trên 3 triệu thùng dầu/ngày, là loại dầu ngọt nhẹ, được đánh giá có thể chế biến tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với tỉ lệ khoảng 20 - 30% thể tích khi phối trộn với các loại dầu thô khác trong “giỏ dầu thô” hiện tại của Nhà máy.

Tháng 4/2019, BSR chế biến lô dầu WTI Midland thử nghiệm đầu tiên với khối lượng khoảng 995.000 thùng.

Sau khi chế biến thử nghiệm thành công lô dầu thô WTI Midland này, BSR đã lập kế hoạch và mua thêm 2 lô dầu WTI Midland với khối lượng mỗi lô khoảng 1 triệu thùng.

Việc chế biến thành công các lô dầu WTI Midland không chỉ giúp BSR có thêm lựa chọn nguồn dầu thô chất lượng, sản lượng cao, giá cả phù hợp mà còn giúp cải thiện cán cân thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.

Từ cuối tháng 10/2019, BSR tiếp tục đưa vào chế biến thử nghiệm lô dầu thô Bonny Light của Nigeria và đạt tỷ lệ chế biến ở 50% thể tích tại 107% công suất ở phân xưởng chưng cất (CDU) và 100% công suất ở phân xưởng cracking xúc tác (RFCC). 

Tính đến hết 2019, BSR sẽ nhập tổng cộng 4 triệu thùng dầu thô WTI và dầu Bonny Light. Dự kiến, năm 2020, BSR sẽ tiếp tục nhập khẩu từ 8 - 10 triệu thùng dầu thô loại này.

*Sản xuất dầu nhiên liệu hàng hải

Sản phẩm MFO thế hệ mới sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn IMO 2020 cho tàu biển. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tháng 10/2016, Ủy ban Bảo vệ Môi trường Hàng hải Quốc tế (MEPC) thuộc Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đưa ra quyết định cắt giảm khí thải chứa thành phần lưu huỳnh (SOx) của các loại tàu biển sử dụng nhiên liệu MFO hoạt động trên chuyến hàng hải thuộc hải phận quốc tế.

Theo đó, hàm lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu hàng hải sẽ áp dụng mức tiêu chuẩn mới là tối đa 0,5% khối lượng kể từ ngày 01/01/2020 (gọi tắt là IMO 2020) thay cho mức tiêu chuẩn tối đa 3,5% khối lượng hiện nay.

Trước bối cảnh đó, BSR nhận thấy rằng sản phẩm dầu FO của BSR có hàm lượng lưu huỳnh thấp <0,5% rất phù hợp để sản xuất  nhiên liệu MFO 0,5%S.

Sản phẩm dầu FO của BSR có sản lượng sản xuất khoảng 192.000 tấn/năm. Từ năm 2018, BSR đã bắt tay vào thực hiện nghiên cứu sản phẩm MFO. Tháng 9/2019, BSR đã sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm MFO tại phòng thí nghiệm và đã đạt các yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt.

Hiện nay, hệ thống phối trộn, kiểm soát chất lượng và hệ thống xuất bán sản phẩm MFO của BSR đã sẵn sàng. Dự kiến vào cuối tháng 11/2019, BSR sẽ xuất bán lô sản phẩm MFO đầu tiên cho khách hàng với sản lượng khoảng 6.000 tấn.

Kỹ sư Đặng Ngọc Đình Điệp, Phó Giám đốc phụ trách công nghệ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết, việc sản xuất dầu MFO theo tiêu chuẩn IMO 2020 sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm FO; thúc đẩy hợp tác giữa BSR và các đối tác - là tiền đề để BSR phát triển các sản phẩm khác trong thời gian đến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục