Thuế nhập khẩu dầu thô về 0%, cơ hội lớn cho Lọc dầu Dung Quất

10:12' - 19/09/2019
BNEWS Theo Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn dầu thô nhập khẩu với giá cạnh tranh khi thuế nhập khẩu dầu thô về 0% vào ngày 1/11/2019 tới đây.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Theo Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/9/2019 về việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu, mặt hàng dầu mỏ thô (mã hàng 2709.00.10) sẽ có mức thuế suất nhập khẩu giảm từ 5% xuống còn 0%.
Đây chính là cơ hội cho các Nhà máy lọc dầu trong nước, trong đó có Lọc dầu Dung Quất tiếp cận nguồn dầu thô nhập khẩu với giá cạnh tranh.

Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn chế biến khoảng 85% dầu thô trong nước và 15% dầu thô nhập khẩu. Tuy nhiên, nguồn dầu thô trong nước đang có xu hướng giảm, vì vậy nhu cầu nhập khẩu thời gian tới sẽ tăng lên.
Ông Bùi Minh Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Đây là tín hiệu rất khả quan cho Công ty tiếp cận nguồn dầu thô Azeri, loại dầu có trữ lượng lớn ở Azerbaijan, có chất lượng tương đương dầu Bạch Hổ và có thể chế biến với tỷ lệ phối trộn cao.

Hoạt động xuất bán sản phẩm xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Việc giảm thuế nhập khẩu dầu thô về 0% sẽ giúp BSR mở rộng cơ hội nhập khẩu dầu thô. Qua đó có thể nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR, tăng nộp ngân sách Nhà nước và tăng lợi nhuận tối đa cho Công ty.
Từ năm 2020, BSR sẽ tự chủ trong hoạt động mua dầu thô, đứng tên trong hợp đồng ký trực tiếp với nhà cung cấp. Theo đó, BSR được chủ động a quyết định, thời điểm nhập hàng, nhờ vậy giúp doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thuận lợi trên thị trường để tối đa hóa lợi nhuận.
Mới đây, tại Hội nghị APPEC - Diễn đàn quốc tế về lĩnh vực dầu khí, SOCAR Trading SA – Công ty thành viên của Công ty Dầu Quốc gia Azerbaijan sẵn sàng cam kết cung cấp dài hạn dầu thô chiến lược Azeri cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Được biết, năm 2018, SOCAR Trading SA khai thác 441 triệu thùng dầu, trong đó có khoảng 200 triệu thùng dầu Azeri./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục