Ca cấy ghép tim nhân tạo tiên tiến Aeson đầu tiên tại Mỹ

16:31' - 15/07/2021
BNEWS Ca cấy ghép tim nhân tạo đầu tiên ở người được thực hiện tại Mỹ đang được kỳ vọng sẽ giúp mở ra hướng điều trị mới cho hàng triệu bệnh nhân tim mạch mỗi năm.

Ngày 15/7, Công ty Carmat (Pháp) công bố thông tin về ca cấy ghép tim nhân tạo đầu tiên ở người được thực hiện tại Mỹ. Đây là một phần trong quy trình thử nghiệm lâm sàng tim nhân tạo có tên gọi Aeson được kỳ vọng sẽ giúp mở ra hướng điều trị mới cho hàng triệu bệnh nhân tim mạch mỗi năm.

Theo Stephane Piat - Tổng giám đốc Carmat, thử nghiệm lâm sàng đầu tiên thực hiện tại Mỹ mang tính quyết định với khả năng phát triển của công ty tại thị trường thiết bị y khoa lớn nhất thế giới. Quá trình cấy ghép được đội ngũ chuyên gia và bác sĩ của bệnh viện Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina, thực hiện.

Chỉ đạo chuyên môn là Tiến sĩ Jacob N. Schroder và Tiến sĩ Carmelo A. Milano, đều là những chuyên gia phẫu thuật tim nổi tiếng tại bệnh viện đầu ngành về tim mạch của Mỹ này.

Hiện 3 trung tâm nghiên cứu khác cũng đã được thiết lập tại Mỹ và đang trong quá trình tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng. Theo đó, quy trình thử nghiệm cần 10 tình nguyện viên là các bệnh nhân đủ điều kiện tham gia nghiên cứu để có cơ sở dữ liệu cho Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đánh giá cấp phép.

Nghiên cứu lâm sàng sơ bộ được coi là thành công nếu bệnh nhân sống sót sau 180 ngày kể từ khi được cấy ghép tim hoặc tim được cấy ghép hoạt động tốt trong vòng 180 ngày sau khi cấy ghép.

Nghiên cứu được chia làm các giai đoạn khác nhau, trong đó 3 bệnh nhân được cấy ghép tim trước có tiến triển sau 60 ngày thì đến 7 bệnh nhân tiếp theo được thực hiện cấy ghép tim nhân tạo.

Nghiên cứu lâm sàng sẽ giúp đánh giá liệu các chức năng của tim nhân tạo có thực sự mang lại lợi ích cho bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối vốn không còn nhiều phương án điều trị hay không.

Tim nhân tạo hoàn toàn Aeson là dự án tiên tiến nhất thế giới. Bộ tim hoàn chỉnh gồm 2 phần chính là một quả tim nhân tạo bằng chất liệu sinh học có thể cấy ghép vào trong cơ thể bệnh nhân và một bộ phát năng lượng cầm tay bên ngoài cơ thể, có thể được gắn ở thắt lưng rất gọn nhẹ.

Quả tim vận hành và hoạt động như tim người thật, chứa một bộ phận cảm ứng tự tăng hoặc giảm lưu lượng máu theo nhu cầu.

Theo các chuyên gia, quả tim nhân tạo này có thể hoạt động liên tục trong 5 năm. Thông tin đăng tải trên trang web chính thức của Carmat nêu rõ tim nhân tạo hiên đã có tại thị trường châu Âu./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục