Cần Thơ "hút" 55,7 triệu USD vốn ngoại

16:12' - 11/11/2015
BNEWS Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, tổng vốn đầu tư FDI vào Cần Thơ tính đến hết tháng 10/2015 là 55,7 triệu USD, đạt 75% kế hoạch năm.
Xưởng sản xuất hàng điện tử theo công nghệ Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Ông Lê Mạnh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, trong 10 tháng năm 2015, thành phố đã cấp phép mới 5 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư khoảng 17,1 triệu USD. Các dự án trên tập trung vào những lĩnh vực sản xuất cám gạo sấy khô xuất khẩu; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị nông nghiệp, công nghiệp; thương mại; công nghiệp chế biến và rạp chiếu phim.

Cũng trong thời gian này, thành phố Cần Thơ điều chỉnh tăng vốn 38,4 triệu USD của 4 dự án FDI; trong đó, dự án siêu thị Lotte điều chỉnh tăng 31 triệu USD.Hiện lũy kế đến đầu tháng 11/2015, thành phố Cần Thơ có 66 dự án có vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 954,6 triệu USD, vốn thực hiện đạt 346 triệu USD, chiếm 36% so với vốn đầu tư đăng ký.

Đặc biệt, thành phố Cần Thơ đang xem xét, phê duyệt hồ sơ dự án thành lập trường Đại học quốc tế Pegasus với vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD và trường đào tạo kỹ năng sống của Singapore. Đây sẽ là trường đại học quốc tế và trường đào tạo kỹ năng sống đầu tiên trên địa bàn thành phố Cần Thơ và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục cho học sinh, sinh viên, thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Cần Thơ và các tỉnh khu vực.

Dây chuyền sản xuất thiết bị cơ khí. Ảnh: TTXVN

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, thời gian tới hoạt động đầu tư của Cần Thơ sẽ khởi sắc khi nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư ở các lĩnh vực như: Khu du lịch resort, khách sạn 5 sao, nhà máy nhiệt điện, điện mặt trời, dự án sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, dệt may, nhà máy xử lý rác thải, bệnh viện... Đây là các dự án lớn, sử dụng nhiều lao động sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương, khu vực, tạo việc làm cho người dân, tăng thu ngân sách cho thành phố khi được triển khai.

Với thế mạnh là nguồn cung cấp nguyên liệu thủy sản, nông sản, hiện thành phố Cần Thơ là mảnh đất tiềm năng, điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với sự hiện diện của vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (tại khu Công nghiệp Trà Nóc) hứa hẹn sẽ góp phần phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến nông sản, thủy sản tại Cần Thơ.

Về định hướng, giải pháp thu hút đầu tư của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới, ông Lê Mạnh Tùng cho biết,  thành phố sẽ tập trung thu hút dự án FDI vào một số đối tác để đạt mục tiêu thành phố công nghiệp trước năm 2020 như với đối tác Nhật Bản xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông thủy sản; với đối tác Hàn Quốc xúc tiến vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, máy móc nông nghiệp, năng lượng và thiết bị công nghiệp, điện tử, hoá mỹ phẩm...

Thời gian tới, thành phố Cần Thơ cũng xúc tiến đầu tư tập trung vào một số ngành nghề chính như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, du lịch, hạ tầng giao thông và các lĩnh vực được ưu đãi như dệt may, da giày... khi Việt Nam chính thức tham gia TPP.../.

Thanh Sang/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục