Cá nhỏ sẽ chiếm lĩnh toàn bộ thế giới biển

12:11' - 07/07/2017
BNEWS Những loài cá nhỏ mảnh mai sẽ dần chiếm lĩnh toàn bộ thế giới biển nếu tình trạng axit hóa các vùng biển tiếp diễn với tốc độ như hiện nay mà không có biện pháp nào ngăn chặn

Theo các nhà khoa học đến từ Đại học Hàng hải Adelaide Australia, những biến đổi trong hệ sinh thái biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự đa dạng các loài cá.

Theo đánh giá mới công bố ngày 7/7, hiện tượng axít hóa ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thực vật dưới lòng biển trong đó có sự tồn vong của các loại tảo bẹ vốn là nơi trú ẩn của những loài cá ăn thịt cỡ trung khi bị các loài cá ăn thịt cỡ lớn truy đuổi.

Nếu loại tảo này biến mất và nhường chỗ cho các loài tảo bụi đúng theo những nghiên cứu của các nhà khoa học thì những loài cá nhỏ sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn và sinh sôi mạnh hơn vì các loài cá ăn thịt tầm trung, kẻ thù chính của chúng, sẽ dần bị tiêu diệt do thiếu chỗ trú ẩn.

Bện cạnh đó, các tác giả cho biết, nếu nhìn tổng thế thì số lượng cá trong đại dương trên thực tế đang tăng do tác động của hiện tượng axit hóa song sự đa dạng loài lại giảm.

Sự gia tăng số lượng chỉ diễn ra ở một số loài như các loại thức ăn như là các loài giáp xác nhỏ, ốc.. và các loài cá lớn do chúng có ưu thế trong mọi cuộc tranh giành và đánh hơi thấy thức ăn nhanh hơn.

Axít hóa đại dương là hiện tượng giảm nồng độ pH liên tục trong các đại dương trên Trái Đất do sự hấp thu khí CO2 thải ra từ quá trình hoạt động sản xuất của con người. Từ năm 1751 đến năm 1994, nồng độ axit trong các đại dương trên thế giới đã tăng 30%.

Đây là lần đầu tiên các tác giả đánh giá thành công tác động của hiện tượng axit hóa đại dương sau khi tiến hành các nghiên cứu kéo dài 3 năm trong vùng sinh thái tảo bẹ ở nhiệt độ nước nông.

Các nhà khoa học cũng cho biết có thể hạn chế những tác động tiêu cực từ hiện tượng axit hóa đại dương bằng cách hạn chế đánh bắt các loài cá cỡ trung để đảm bảo sự nguyên vẹn của chuỗi thức ăn tự nhiên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục