Các “vùng chết” trên đại dương đe dọa sự sống sinh vật biển

05:39' - 03/04/2017
BNEWS Theo Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian (STRI) của Panama, các vùng chết trên đại dương, nơi có nồng độ oxy thấp hoặc không có oxy, là mối đe dọa chính đối với sự sống của các sinh vật biển.
Các “vùng chết” trên đại dương đe dọa sự sống sinh vật biển. Ảnh: TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, hồi tháng 9/2010, các nhà nghiên cứu của STRI đã phát hiện rạn san hô tại vịnh Almirante thuộc mũi phía Tây Bắc Panama, vùng bờ biển Caribe, bị “trắng hóa” cùng thời điểm nhiệt độ nước biển tăng cao.

Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do nước đại dương ấm lên hay quá trình axit hóa trong nước biển.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã đặt nghi vấn sau khi phát hiện những lớp dày của chất nhờn vi khuẩn, cũng như xác cua, nhím biển và bọt biển dưới đáy đại dương, thậm chí nhóm nghiên cứu còn cảm nhận được sự khác biệt rõ rệt trong sức khỏe của mình khi ở trên cạn và dưới biển sâu, và cho rằng những “vùng chết” đại dương mới là nguyên nhân tác động đến sự sống của rạn san hô này.

Ông Andrew Altieri, người đứng đầu công trình nghiên cứu trên, cho biết hàng loạt rạn san hô trên Vịnh Mexico cũng có tình trạng "chết trắng" giống như những rạn san hô được quan sát tại Panama, mặc dù nguyên nhân chính xác cho đến nay vẫn chưa được xác định.

Theo ông, số "vùng chết" tại các khu vực ôn đới trên bản đồ thế giới hiện nay nhiều gấp 10 lần các khu vực nhiệt đới, nhưng nhiều nhà sinh học biển tại các trường đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ dự đoán hiện tượng này sẽ còn tiếp tục lan rộng.

Trong báo cáo trên, các nhà khoa học cũng đưa ra một số khuyến nghị như việc giám sát mức độ oxy trong các rạn san hô để có thể hiểu mối tương tác giữa các vùng chết với các nguyên nhân như sự nóng lên toàn cầu và tạo ra một tác động kép gây nguy hiểm cho các sinh vật biển.

Theo ông Altieri, điều đáng chú ý là cho tới nay, vấn đề nồng độ oxy thấp trong nước thường ít khi được đề cập đến trong những mối đe dọa toàn cầu đối với san hô và cũng ít khi là chủ đề của các cuộc thảo luận khoa học.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại Dương quốc gia Mỹ (NOAA), tính tới tháng 6/2016, diện tích vùng nước chết lớn nhất được ghi nhận là tại Vịnh Mexico (22.172 km2).

Các nhà khoa học cho rằng, các vùng chết trên đại dương đang trở thành vấn đề môi trường nan giải đối với thế giới, đe dọa ngành nuôi trồng thủy sản, trao đổi thương mại tôm cá gần bờ và qua đó là đời sống ngư dân ở nhiều vùng ven biển trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục