Cá tra là mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh nhất

15:52' - 01/12/2022
BNEWS Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), hết tháng 11, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh nhất ở mức 63%, kim ngạch đạt gần 2,3 tỷ USD.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), hết tháng 11, xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh nhất ở mức 63%, kim ngạch đạt gần 2,3 tỷ USD; cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ 2 với mức 40% đạt 941 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30%, đạt 704 triệu USD, xuất khẩu tôm có kim ngạch cao nhất đạt hơn 4 tỷ USD nhưng chỉ tăng 14% so với cùng kỳ.

 

Về thị trường, Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam với giá trị trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu sang Trung Quốc  và thị trường Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD.

Thị trường EU đóng góp trên 1,2 tỷ USD và thị trường Hàn Quốc đạt 882 triệu USD. Khối các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (bao gồm cả Nhật Bản), chiếm trên 26% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với gần 2,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ.

Tháng 11/2022 là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, luỹ kế đến hết tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với năm 2021.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11 chỉ đạt 780 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chính từ tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có mực, bạch tuộc và các loại cá biển vẫn giữ được tăng trưởng xuất khẩu dương lần lượt là 9% và 6%.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep phân tích, xuất khẩu thủy sản vượt 10 tỷ USD trong 11 tháng là kết quả của sự tăng trưởng mạnh nửa đầu năm, với nhiều thuận lợi từ việc gia tăng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.

Tuy nhiên, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu từ tháng 10 trở đi với mức tăng trưởng chỉ 2%, sang tháng 11 thì giảm tới 14% so với cùng kỳ. Dự báo, trong tháng 12, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm còn kéo dài sang năm 2023.

Theo bà Lê Hằng, lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I năm 2023 gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ… mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu trong những tháng tới.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, chia sẻ, những thách thức của  nửa cuối năm của không chỉ thuỷ sản mà nhiều ngành hàng xuất khẩu khác đã được dự báo khá sớm và không tránh khỏi. Càng về cuối năm, càng có nhiều doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình trạng bị đối tác hoãn nhận đơn hàng đã ký kết; thậm chí hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận. Việc trao đổi kế hoạch đơn hàng, kinh doanh năm sau cũng bị trì hoãn do không chắc chắn về nhu cầu thị trường.

Theo ông Hồ Quốc Lực, rất khó để có đối sách chung cho các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại mà tùy thuộc hoàn cảnh của từng doanh nghiệp để thích ứng. Trước mắt doanh nghiệp phải tập trung trao đổi, đàm phán khách hàng tìm cách giảm thiểu khó khăn, thiệt hại với tinh thần cùng chia sẻ.

Doanh nghiệp cũng cần đánh giá lại lợi thế, hạn chế của mình để chú trọng quảng bá tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh, tránh đối đầu trực tiếp với các đối thủ trong nhóm sản phẩm ít lợi thế. Mặt khác, doanh nghiệp cần tinh gọn mọi mặt từ bộ máy, dây chuyền sản xuất, các định mức tiêu hao để tập trung giảm giá thành sản phẩm, từ đó tăng sức cạnh tranh cho mình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục