Cá tra, tôm “bơi” mạnh vào thị trường nội địa

12:10' - 04/07/2025
BNEWS Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường nội địa cũng đóng vai trò then chốt, là kênh tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao giá trị gia tăng.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển theo hướng đa thị trường, đa mục tiêu để đảm bảo sự tăng trưởng cho doanh nghiệp trong năm 2025.

 

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường nội địa cũng đóng vai trò then chốt, là kênh tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển xanh và bền vững.

Cho đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên, ngành thủy sản đang đối diện với nhiều vấn đề chung toàn cầu như: rào cản thương mại, các quy định khắt khe của các quốc gia nhập khẩu, giá nguyên liệu tăng cao và sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác. Bởi những rào cản này, thủy sản Việt Nam phải hướng đến đa dạng thị trường, tận dụng thị trường nội địa có sẵn để khai thông thêm cho lượng tiêu thụ thủy sản trong nước.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thủy sản có nhiều loài chiếm ưu thế về giá thành, giàu dinh dưỡng, ít xương, dễ chế biến, và đặc biệt là đã được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng trong quá trình nuôi trồng, chế biến điển hình như cá tra. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên gia thị trường cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết, cá tra hoàn toàn có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, muốn cá tra chiếm lĩnh thị trường nội địa, điều đầu tiên cần làm là tái định vị hình ảnh cá tra trong mắt người tiêu dùng Việt, chứ không chỉ đơn giản là thay đổi mẫu mã bao bì, điều cốt lõi là truyền thông lại câu chuyện về một dòng sản phẩm “tự hào Việt Nam” – cá tra được nuôi, sản xuất với công nghệ hiện đại, kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Bên cạnh đó, để lưu thông nội địa tốt, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu cá tra nội địa theo hướng cao cấp, hiện đại, nhắm tới những phân khúc mới như: thực phẩm tiện lợi cao cấp; thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, người cao tuổi, sản phẩm “healthy” cho người ăn kiêng, ăn sạch. Hiện nay, sản phẩm cá tra không chỉ có cá tra phi lê, cắt khúc hay nguyên con mà đang có khoảng 80 sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao như: cá tra giả lươn, cá tra tẩm bột, xúc xích.… đây là điều kiện tốt để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa song hành với xuất khẩu.

Cho đến nay, ngành hàng cá tra có 2 doanh nghiệp thủy sản lớn đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa là: Công ty Cổ phần Nam Việt và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, trong đó Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn hợp tác với hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh trên cả nước để tăng cường truyền thông và tiêu thụ cho sản phẩm cá tra trong nước, đẩy mạnh doanh thu tăng hơn 40% tại thị trường trong nước.

Đối với Công ty Cổ phần Nam Việt, sau thương vụ hợp tác với Bách Hóa Xanh từ tháng 3/2023, các dòng sản phẩm của Công ty Cổ phần Nam Việt được đánh giá đã có độ nhận diện cao hơn và dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng trong nước. Đại diện Công ty Cổ phần Nam Việt cho rằng: sản phẩm cá tra, cá ba sa của Nam Việt đã có mặt hơn 100 quốc gia trên thế giới, và mối lương duyên với hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh là cơ hội hợp tác để bổ sung ngành hàng bán lẻ nhằm đưa sản phẩm mang tầm quốc tế đến tay người tiêu dùng trong nước.

Ngoài cá tra, sản phẩm tôm Việt cũng được doanh nghiệp tăng cường truyền thông và tiêu thụ tại các hệ thống bán lẻ của thị trường trong nước. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ, sau khi bắt đầu hợp tác với hệ thống siêu thị bán lẻ trong nước như Bách Hóa Xanh, sản lượng tiêu thụ tôm của Minh Phú tăng 20%/tháng.

Bách Hóa Xanh kỳ vọng mua 3.000 tấn tôm, mang về 500 tỷ đồng doanh thu. Minh Phú cũng đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng và mở rộng kênh phân phối online để tiếp cận người tiêu dùng. Ngoài ra, Minh Phú đặt kỳ vọng lớn vào công nghệ nuôi tôm sinh học MPBio 5 trong 1, do tập đoàn tự phát triển.

Thông tin từ Minh Phú cho biết, công nghệ này mô phỏng môi trường tự nhiên bằng nước biển mặn cao, kết hợp giám sát số hóa 24/24, hạn chế kháng sinh. Kết quả, tỷ lệ tôm sống đạt 80%, chi phí sản xuất giảm 50%, lợi nhuận tăng 10-20%. Nếu thành công, giá tôm nguyên liệu sẽ giảm, giúp doanh số vượt 70.000 tấn/năm, cải thiện kết quả kinh doanh. Từ đó, chiến lược nội địa mang lại lợi thế lớn cho Minh Phú, giúp công ty giảm phụ thuộc vào xuất khẩu – vốn đầy rủi ro sau khi chiếm 99% doanh thu trước đây.

Với thương hiệu mạnh và niềm tin từ người tiêu dùng Việt, Minh Phú có nền tảng để cạnh tranh, giảm chi phí trung gian như vận chuyển quốc tế, tăng biên lợi nhuận. Đây sẽ là cú hích để Minh Phú phục hồi. Tuy nhiên, thị trường nội địa không dễ dàng. Sức mua của người dân còn thấp, chỉ chiếm 5% tổng sản lượng thủy sản. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản nói chung, Minh Phú nói riêng phải nỗ lực rất lớn mới tận dụng hết tiềm năng thị trường này.

Trong hành trình chinh phục thị trường nội địa, không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực riêng lẻ của từng doanh nghiệp. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam chia sẻ, phát triển thị trường nội địa cần một chiến lược tổng thể, đi kèm các hoạt động cụ thể như: Tổ chức tuần lễ cá tra tại các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống hiện đại; phối hợp cùng các đầu bếp nổi tiếng giới thiệu thực đơn cá tra sáng tạo, hợp khẩu vị người trẻ; hợp tác với các KOLs, influencer trong lĩnh vực ẩm thực, ăn uống lành mạnh để lan tỏa hình ảnh cá tra tích cực trên mạng xã hội; Phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch qua mã QR code, giúp người tiêu dùng yên tâm khi lựa chọn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục