Ngành gỗ Việt đối mặt biến động, mở rộng thị trường mới

11:48' - 04/07/2025
BNEWS Thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt đang chịu nhiều tác động từ các cuộc chiến khu vực và chính sách bảo hộ thương mại…
Trước bối cảnh này, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đang nỗ lực tìm hướng đi mới, không chỉ để duy trì sự phát triển toàn ngành mà còn định vị lại vị thế ngành gỗ Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm cho biết, ngay từ đầu năm 2025, các chính sách thương mại của nhiều quốc gia có sự thay đổi lớn. Dù các sản phẩm gỗ Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng thị trường Mỹ vẫn chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Nên sự biến động các chính sách của thị trường này sẽ có tác động lớn đến ngành gỗ Việt Nam.

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gần đây nhất, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi động điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán Việt Nam, làm cho hơn 130 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam rơi vào danh sách điều tra. Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đặt mục tiêu xuất khẩu cho toàn ngành gỗ là 18 tỷ USD.

 
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kim ngạch xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt hơn 8,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng thời điểm này xảy ra nhiều biến động lớn, từ tình hình chính trị thế giới, đến chính sách thương mại riêng của các thị trường, khiến cho ngành gỗ khó có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu như đã đề ra.

Không riêng thị trường Mỹ có những quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam, thị trường châu Âu cũng có diễn biến tương tự với nhiều quy định khác như Quy chế sản phẩm không phá rừng (EUDR), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chỉ thị về báo cáo phát triển bền vững của donh nghiệp (CSRD). Với thị trường Nhật Bản có thêm những quy định về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc rõ ràng, thay đổi trong chính sách giá điện… cũng tác động đến ngành hàng viên nén gỗ.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long chia sẻ, ngành gỗ còn đang phải "vật lộn" với bài toán nguyên liệu đầu vào và cạnh tranh, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu hiện đang tăng do nguồn cung bị hạn chế.

Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước cung cấp lớn khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia vốn là những nước xuất khẩu gỗ lớn, có lợi thế về công nghệ và chi phí.

Để ứng phó với những biến động thị trường thế giới của ngành gỗ, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng các doanh nghiệp đang chuẩn bị tham gia các cuộc điều trần nếu phía Hoa Kỳ yêu cầu, nhằm chứng minh ngành gỗ Việt Nam chỉ mang tính bổ trợ, không gây hại cho sản xuất nội địa của Mỹ. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam cũng đã tích cực làm việc với các cơ quan chính phủ Hòa Kỳ để tháo gỡ vướng mắc.

Cùng với đó, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần tìm lối ra bằng cách mở rộng thị trường, đặc biệt hướng đến các khu vực mới nổi và tiềm năng như Trung Đông nhằm giảm sự phụ thuộc và tăng khả năng chống chịu trước rủi ro từ các thị trường lớn. Bên cạnh đó, ngành gỗ cần hướng tới việc toàn bộ sản phẩm gỗ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu phải có nguồn gốc hợp pháp, đạt chứng chỉ rừng bền vững và hơn 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ phải đạt trình độ công nghệ tiên tiến.

Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam cũng đưa ra nhiều chiến lược để ngành gỗ giữ vững sản xuất, xuất khẩu. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, Trung Đông, Ấn Độ, châu Phi, Nam Mỹ, Đông Âu và Bắc Âu là những khu vực đang tăng trưởng nhanh về nhu cầu nội thất, gỗ xây dựng và sản phẩm chế biến sâu.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng các thị trường truyền thống để mở rộng thị trường. Cụ thể, khu vực Trung Đông có nhu cầu cao về nội thất cao cấp cho khách sạn và khu nghỉ dưỡng; các nước Trung Đông (UAE) và Qatar đều là những đối tác tiềm năng với nhu cầu đặc thù về sản phẩm nội thất ngoài trời và gỗ chế biến sau. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường tham gia Index Dubai, hợp tác với nhà phân phối khu vực Trung Đông, đầu tư chứng chỉ FSC/PEFC để tăng độ tin cậy.

Còn thị trường Ấn Độ đang trở thành thị trường đáng chú ý nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh về nhu cầu nội thất gia đình và văn phòng. Kênh bán hàng trực tuyến như Amazon India, Flipkart đang mang lại doanh thu ấn tượng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với các sản phẩm gọn gàng, tiết kiệm diện tích. Ngoài ra, đàm phán FTA Việt Nam – Ấn Độ đang mở ra cơ hội giảm thuế nhập khẩu từ 10% xuống 5%. Hơn nữa, có sự định hướng và hỗ trợ từ nhà nước, cùng sự phấn đấu của doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng đồng bộ để ngành gỗ Việt Nam không chỉ vượt qua được thời điểm khó khăn mà còn tạo ra những bức phá mới trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết thêm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục