Các địa phương kiểm soát phòng chống dịch tả lợn châu Phi

20:50' - 12/03/2019
BNEWS Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, nhiều tỉnh, thành phố đang tập trung kiểm soát phòng chống dịch tả này.
Người tiêu dùng ưu tiên mua thịt lợn an toàn tại siêu thị. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

* Thành phố Hồ Chí Minh: Tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh về phòng chống dịch tả lợn châu Phi vào chiều 12/3, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cho biết, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang tốc độ lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành và diễn biến phức tạp, đe dọa trực tiếp tới ngành chăn nuôi của Thành phố, vì vậy lãnh đạo Thành phố giao UBND các quận, huyện thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật và Tổ công tác thường trực, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.

Địa phương nào chưa thành lập ban chỉ đạo phòng dịch cần lập tức rà soát, kiện toàn kịp thời để tăng cường kiểm tra, đôn đốc giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Các quận, huyện có tổng đàn lợn lớn cần khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi gửi về sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo UBND Thành phố. Địa phương nào có chăn nuôi lợn thực hiện không nghiêm túc, không quyết liệt các biện pháp phòng chống, để xảy ra dịch bệnh thì chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND Thành phố.

Ông Lê Thanh Liêm cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành và yêu cầu các đơn vị phối hợp với các quận, huyện tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, quán ăn.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, đặc biệt là các quận, huyện giáp ranh với các tỉnh.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp Cục Quản lý thị trường giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia súc trái phép, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh. Đặc biệt các đơn vị phối hợp triển khai kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc trên địa bàn, nhất là gia súc từ các địa phương khác vào các chợ đầu mối nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh.

Quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh nhưng lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị trang thiết bị, vật tư, nhân sự, địa điểm tiêu hủy để sẵn sàng ứng phó, xử lý trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tp. Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 3.917 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 274.000 con; trong đó có 247 hộ sử dụng thức ăn dư thừa để nuôi lợn là những hộ có nguy cơ cao với dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, Tp. Hồ Chí Minh cũng là đầu mối tiêu thụ lợn lớn của khu vực phía Nam với số lượng giết mổ từ 6.500 – 7.000 con/ngày. Số lợn nuôi trên địa bàn hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ, số còn lại được nhập từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…

Ngày 12/3, thông tin tại hội nghị tình hình dịch bệnh và công tác triên khai phòng chống, ngăn chặn nguy cơ Dịch tả lợn Châu Phi cho biết đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện Dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: K GỬIH TTXVN

* Bình Phước: Ngày 12/3, tại buổi họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về dịch tả lợn châu Phi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, ông Trần Văn Lộc cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh và sự chỉ đạo của Trung ương để tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh Bình Phước nhận định tình hình và nguyên nhân xâm nhập, lây lan dịch bệnh là do tỉnh này có đường biên giới với Campuchia hơn 260 km, có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở và có nhiều hoạt động của cư dân biên giới như: chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, phương tiện qua lại... Bình Phước còn là tỉnh tiếp giáp giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, có 2 tuyến đường Quốc lộ 13, 14 ngang qua; các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh, lợn nghi bệnh, lợn chết từ các địa phương có dịch bệnh đi ngang qua...

Tuy chăn nuôi trang trại quy mô tập trung trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ lớn (83%), nhưng chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ chiếm 17% tổng đàn lợn với 11. 420 hộ. Số hộ trên phân tán khắp địa bàn tỉnh, phần lớn hộ chăn nuôi chưa ý thức tốt việc thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tình trạng người dân sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phố biển. Trong khi đó, lực lượng thú y cơ sở mỏng, không ổn định, khó khăn trong giám sát phát hiện dịch bệnh kịp thời. Thời tiết, khí hậu biến đổi bất lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan.

Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, để ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh, tỉnh tập trung thực hiện các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh tại khu vực biên giới giáp Campuchia, từ các tỉnh, thành đang có dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn. Khi phát hiện lợn bị bệnh có dấu hiệu nghi ngờ bệnh dịch tả lợn châu Phi thì lấy mẫu xác định mầm bệnh, đồng thời xử lý kịp thời ổ dịch phát sinh, không dễ lây lan ra diện rộng.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ khẩn trương triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2019. Thực hiện phun xịt khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ động vật và các sản phẩm động vật. Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y kịp thời phát hiện dịch bệnh, xử lý kịp thời đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tỉnh Bình Phước yêu cầu khi phát hiện đàn lợn nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hoặc có biểu hiện mắc bệnh, chết nhiều bất thường phải báo cáo nhanh cho đơn vị có chức năng chuyên môn thú y hoặc chính quyền địa phương để lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh và xử lý kịp thời. Mặt khác, tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giểt mổ và kiểm tra vệ sinh thú y kịp thời phát hiện dịch bệnh, xử lý kịp thời đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Trước đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức tập huấn 6 lớp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Đồng Phú, Chơn Thành, Hớn Quản, Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh thu hút 300 học viên là người chăn nuôi, cán bộ hội nông dân, Phòng Nông nghiệp và cán bộ kỹ thuật Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị.

Trung tâm hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; tuyên truyền người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán lợn, các sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc rõ ràng, không qua kiểm dịch để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh…

Toàn tỉnh hiện có 251 trang trại chăn nuôi lợn; trong đó có 126 trang trại chăn nuôi gia công; 98 trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê; 27 trang trại chủ đầu tư tự nuôi. Về chuồng trại có 98 trang trại chăn nuôi theo mô hình chuồng khép kín và 153 trang trại chăn nuôi theo mô hình chuồng hở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục