Thanh Hóa chấn chỉnh hoạt động của các chốt kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi

22:36' - 11/03/2019
BNEWS Sau 1 tuần huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) xuất hiện ổ dịch tả lợn đầu tiên và đến nay đã xuất hiện thêm 4 ổ dịch nữa. Tuy nhiên công tác chống dịch còn nhiều việc cần chấn chỉnh.

Ngày 11/3, ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày 10/3, trên địa bàn huyện tiếp tục xuất hiện thêm các ổ dịch tả lợn châu Phi tại các xã như Thiệu Long, Thiệu Công, Thiệu Trung, Thiệu Tiến. Địa phương đã tiến hành tiêu hủy 123 con lợn, với trọng lượng hơn 7,5 tấn.

Như vậy, sau 1 tuần huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Thiệu Phúc, đến nay địa phương này tiếp tục xuất hiện thêm 4 xã có lợn bị mắc bệnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, công tác phòng chống dịch trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Xã Thiệu Phúc, địa phương đầu tiên của huyện Thiệu Hóa phát hiện dịch tả lợn châu Phi vào ngày 5/3, sau hơn 1 tuần xuất hiện dịch, việc kiểm soát, phòng dịch tại địa phương đang có dấu hiệu lơ là, buông lỏng. Ngay sau khi xuất hiện dịch, xã Thiệu Phúc đã thành lập 3 chốt kiểm dịch. Tại các chốt kiểm dịch, địa phương bố trí đầy đủ lực lượng, ứng trực 24/24 giờ.

Các loại vật tư gồm hóa chất, bình phun tiêu độc khử trùng đều được trang bị đầy đủ… Nhiệm vụ của các chốt kiểm dịch là kiểm tra, phun hóa chất tiêu độc khử trùng các phương tiện ra và vào khu vực dịch.

Tuy nhiên, mặc dù vẫn là “điểm nóng” của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng rất nhiều phương tiện giao thông ra vào địa bàn (có xe của phóng viên) đều không được phun thuốc tiêu độc khử trùng.

Tại xã Thiệu Công, 1 trong 4 xã của huyện Thiệu Hóa mới xuất hiện dịch tả lợn châu Phi vào ngày 10/3. Địa phương đã tiến hành tiêu hủy 81 con lợn của 3 hộ gia đình trên địa bàn xã.

Ngay sau khi xuất hiện dịch, địa phương cũng đã bố trí các chốt kiểm soát với các lực lượng ứng trực 24/24 giờ, cùng nhiều vật tư hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện ra vào khu vực xã.

Tuy nhiên, có rất nhiều phương tiện không được phun hóa chất khi ra vào khu vực này, mặc dù địa phương đang là “điểm nóng” khi dịch bệnh mới xuất hiện 1 ngày.

Cá biệt tại chốt kiểm dịch đặt trên tuyến tỉnh lộ 506, thuộc quản lý của thị trấn Vạn Hà, mặc dù, được trang bị đầy đủ hóa chất, bình phun, nhưng vắng bóng cán bộ ứng trực. Theo ghi nhận, toàn bộ cán bộ trực tại chốt, tập trung trong phòng đánh bài.

Trao đổi về vấn đề này, ông La Đình Khanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa xác nhận, địa phương đã cho kiểm tra chốt kiểm soát dịch trên tuyến tỉnh lộ 506 và thừa nhận có sự việc cán bộ đánh bài trong giờ trực. Tổ trưởng chốt kiểm dịch này sẽ phải báo cáo giải trình cụ thể sự việc nêu trên. Chiều ngày 11/3, địa phương sẽ tổ chức họp khẩn để chấn chỉnh lại hoạt động phòng dịch. Quan điểm của thị trấn là sai đến đâu xử lý đến đó.

Ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, ngay sau khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã thành lập 5 chốt kiểm dịch cấp huyện. Đồng thời, 28 xã, thị trấn trên địa bàn cũng thành lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Sự việc, cán bộ trực tại chốt kiểm soát dịch đặt trên tuyến tỉnh lộ 506 chưa làm tốt trách nhiệm được giao thuộc quản lý của thị trấn Vạn Hà. Tuy nhiên, huyện sẽ tiếp thu và chấn chỉnh.

"Việc không thực hiện đúng nhiệm vụ nếu là chốt của xã, thị trấn thì lãnh đạo xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm, còn đối với chốt của huyện thì lãnh đạo huyện phải chịu trách nhiệm. Việc lơ là kiểm dịch, tạo điều kiện cho dịch phát triển và lây lan, hậu quả đến đâu sẽ được xử lý đến đó…", Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết thêm.

Rõ ràng, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng trên địa bàn huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) còn tiềm ẩn. Thực tế dịch vẫn đang tiếp tục bùng phát, khi sau 1 tuần từ 1 xã đầu tiên (Thiệu Phúc), địa phương đã có thêm 4 xã mới xuất hiện dịch.

Hy vọng, chính quyền huyện Thiệu Hóa sẽ có nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong việc phòng dịch để ngăn chặn dịch bệnh không lây lan ra các xã, huyện lân cận…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục