Các địa phương quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

21:37' - 06/06/2019
BNEWS Ngày 6/6, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại “thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 33 hộ chăn nuôi thuộc 13 xã của 4 huyện trên địa bàn gồm: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành.

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại trên 3.000 xã, phường, thị trấn của 53 tỉnh, thành phố. Ảnh minh họa: TTXVN

Toàn tỉnh đã tổ chức tiêu hủy trên 7.300 con lợn mắc bệnh; trong đó, huyện Trảng Bom có 5 hộ xảy ra dịch bệnh với 1.118 con bị tiêu hủy.

Tại xã Đồi 61, nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên của tỉnh Đồng Nai đã tiêu hủy 246 con. Sau 30 ngày chưa có phát sinh ổ dịch khác, đến ngày 27/5, UBND huyện Trảng Bom đã công bố hết dịch tại xã Đồi 61.

Đối với 2 xã Hiệp Phước và Phước Thiền thuộc huyện Nhơn Trạch ngày 3/6 cũng đã công bố hết dịch do không phát sinh ổ dịch mới sau 30 ngày. Huyện Vĩnh Cửu nơi có đàn lợn 6.120 con mắc dịch tả châu Phi và số lợn trên đã được tiêu hủy theo đúng quy định.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện nay công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn đang được thực hiện quyết liệt. Tỉnh Đồng Nai đã thành lập 7 chốt kiểm dịch, các huyện trên địa bàn cũng lập thêm nhiều chốt để kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn ra vào địa phương.

Đối với chính sách tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi, UBND huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu đã lập thủ tục và hỗ trợ cho 4 cơ sở chăn nuôi có lợn tiêu hủy với số tiền 1,455 tỷ đồng.

Theo ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh luôn quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, coi việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Do dịch bệnh đang lây lan và diễn biến phức tạp, ông Chánh cho biết thời gian tới sẽ hạn chế việc tái đàn. “Đến khi dịch đi qua, công tác khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi được thực hiện nghiêm ngặt và không còn mầm bệnh cũng như vi rút thì lúc đó mới cho tái đàn”, ông Chánh nói.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, tinh thần phòng chống dịch bệnh của Đồng Nai đang thực hiện rất quyết liệt và hiệu quả.

“Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, đặc biệt tỷ trọng đàn lợn nuôi theo quy mô tập trung là rất lớn. So với tổng đàn, đến nay Đồng Nai mới chỉ tiêu hủy 4 phần nghìn (1.000 con lợn mới tiêu hủy 4 con), cho thấy tinh thần chống dịch của địa phương rất quyết liệt và hiệu quả”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết.

Ông Hà Công Tuấn đề nghị Đồng Nai tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp chống dịch, không lơ là, chủ quan. Đối với các hộ chăn nuôi, cần tiếp tục kiên trì công tác khử trùng, tiêu độc chuồng trại vì đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch. Khi lợn mắc bệnh phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để khoanh vùng dập dịch.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định, việc tái đàn phải đảm bảo khu vực đó không còn vi rút tả lợn châu Phi. “Tôi mong rằng Đồng Nai nghiên cứu chuyển đổi mô hình chăn nuôi sang loại hình khác trong thời gian tới bởi dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc chữa, chưa có vắc xin phòng. Do vậy, chúng ta vẫn phải “sống chung với dịch” và chưa biết đến bao giờ mới hết dịch”, ông Tuấn lo ngại.

"Hiện nay, khu vực phía Nam đang vào mùa mưa, vùng Tây Nam Bộ đang chuẩn bị vào mùa nước lũ lên cao nên việc lây truyền dịch tại những khu vực này rất khó kiểm soát. Nguy cơ dịch lây lan đến tất cả các tỉnh, thành trong cả nước là rất cao. Hiện nay, cả nước đã tiêu hủy co2,3 triệu con lợn mắc dịch tả châu Phi, nếu tổng đàn của cả nước giảm 10% do tiêu hủy lợn bệnh thì GDP của ngành nông nghiệp sẽ giảm 1% ”, ông Tuấn cho biết.

Tất cả số thịt lợn dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi được tiêu hủy bằng cách chôn lấp. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Tính đến ngày 6/6, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có 11/13 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, riêng tỉnh Long An và Bến Tre chưa ghi nhận ổ dịch.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho rằng, nguy cơ Bến Tre trở thành vùng dịch là rất cao bởi lẽ 3 tỉnh giáp với Bến Tre là Vĩnh Long, Tiền Giang và Trà Vinh đã xuất hiện ổ dịch. Vì vậy, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp, đặc biệt là Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường quản lý, kiểm soát tàu, xe, thuyền vận chuyển lợn ra vào tỉnh.

Tỉnh xác định, công tác quan trọng nhất là khâu kiểm soát lợn xuất - nhập vào địa phương nên đã tăng cường 10 trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tại các cửa ngõ. Ngoài ra, các huyện, xã cũng thành lập chốt để kiểm soát xe vận chuyển lợn ra vào địa phương. Các chốt này hoạt động 24/24 giờ để kiểm tra và vệ sinh tiêu độc khử trùng 100% phương tiện vận chuyển cũng như kiểm tra hồ sơ giấy tờ. Đối với các bến phà, các trạm thú y địa phương đã vận động các chủ tàu, thuyền không vận chuyển xe chở lợn, thịt lợn.

Sáng cùng ngày, ngành nông nghiệp tỉnh đã làm việc với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, vận động các công ty không nên nhập thịt lợn từ vùng dịch, thịt lợn không rõ nguồn gốc về các bếp ăn.

Ông Nguyễn Văn Buội cũng cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành công văn mới chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tăng cường công tác kiểm tra tại các địa phương với tinh thần khẩn trương, mỗi thành viên có thể làm Trưởng đoàn đi một huyện.

Tỉnh Bến Tre Yêu cầu ngành Công an, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBDN các huyện: Châu Thành, Bình Đại, Chợ Lách và Mỏ Cày Nam tăng cường lực lượng tại các chốt kiểm soát, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận chuyển động vật và gia súc… đảm bảo đúng quy định; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phương tiện, gia súc… theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.

Đối với UBND các huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc khẩn trương rà soát các bến đò ngang có khả năng được sử dụng vận chuyển gia súc vào tỉnh và thực hiện ngay các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì lập chốt để kiểm soát việc vận chuyển động vật.

Các huyện ủy, thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; chỉ đạo chính quyền, các cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, báo cáo, phối hợp với sở, ngành có liên quan xử lý, tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Bến Tre hiện có tổng đàn lợn 570.000 con, với khoảng 21.000 hộ chăn nuôi. Mặc dù tỉnh Bến Tre chưa ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi, nhưng theo ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đơn vị đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: các lô lợn tỉnh muốn vận chuyển đi các tỉnh khác đều phải được Chi cục Thú y vùng VI lấy mẫu xét nghiệm và chờ 2 ngày mới có kết quả.

Trong khi mỗi ngày tỉnh xuất khoảng 2.000 con lợn, gây rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), đến chiều ngày 6/6, đã phát hiện 8 hộ chăn nuôi lợn xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, tiêu hủy tổng cộng 93 con lợn với tổng trọng lượng 2.814 kg.

 Xe chở lợn từ các tỉnh được phun thuốc khử trùng trước khi vào Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch của huyện đã cấp bổ sung 720 lít hóa chất Benkocid cho UBND xã Hòa Phong, Hòa Sơn để tiêu độc khử trùng.

Bên cạnh đó, UBND xã Hòa Phước đã thành lập chốt chặn, kiểm tra tại 3 điểm: cổng chào Trà Kiểm, ngã tư Tân Hạnh và đường liên thôn Tân Hạnh đi Điện Hòa.

Đồng thời, đáp ứng đề xuất của UBND xã Hòa Phong về việc cung cấp thêm trang thiết bị như trang phục bảo hộ, ủng, bao tay cao su loại dày, khẩu trang để thực hiện tiêu hủy lợn.

Ban chỉ đạo đang tiếp tục cấp phát 5.000 tờ rơi về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi cho các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang để nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh nguy hiểm này.

Ông Đặng Phú Hành, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, trước mắt huyện cho tiêu hủy ngay lập tức các đàn lợn của các hộ chăn nuôi đã phát hiện bệnh, để ngăn ngừa bệnh dịch lan truyền rộng hơn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiến hành hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi theo phương án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định. Quan điểm của huyện là nỗ lực chung sức, giảm nhẹ thiệt hại cho bà con, giúp bà con yên tâm tái đàn, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND thành phố Cần Thơ tổ chức vào chiều ngày 6/6, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, từ ngày 22/5 (tức kể từ khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn) đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xảy ra 67 ổ dịch tại 18 xã, phường của 5 quận, huyện với tổng số đàn lợn tiêu hủy là 2.047 con, khoảng 90 tấn.

Trước tình hình trên, thành phố Cần Thơ đã và đang triển khai các giải pháp phòng chống dịch, ngăn chặn sự lây lan thông qua cả hệ thống chính trị.

Theo ông Hè, giải pháp phòng chống và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua là tiến hành tiêu hủy ngay sau khi có kết quả xét nghiệm hoặc nhìn thấy bằng mắt thường thấy các dấu hiệu lợn bị nhiễm bệnh nặng sẽ tiến hành tiêu hủy ngay.

Các cơ quan chức năng cũng tiến hành lập chốt kịp thời để kiểm soát nghiêm ngặc việc vận chuyển, mua bán lợn trên địa bàn.

Hiện nay, ngoài 2 trạm chính kiểm soát lợn ra vào thành phố, các địa phương còn lập thêm 16 chốt tạm thời trên địa bàn của 8 quận, huyện để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán lợn.

Ngành nông nghiệp thành phố cũng đã có văn bản thông báo đến tất cả các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ yêu cầu kiểm dịch lợn đạt kết quả âm tính với dịch tả lợn Châu Phi mới được vận chuyển lợn vào địa bàn thành phố Cần Thơ tiêu thụ.

Ngành nông nghiệp cũng đã tổ chức phối hợp với các ban, ngành đoàn thể, chính quyền các địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền vận động người nuôi tiêu độc, khử trùng tại các chuồng trại của mình và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, công khai chính sách, chế độ hỗ trợ của UBND thành phố cho các trường hợp lợn chết, tiêu hủy.

Để tiếp tục triển khai công tác phòng chống và dập dịch hiệu quả, UBND thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu các quận, huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của địa phương.

Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan theo đúng Luật Thú y, Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ , ngành Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, các quận, huyện cần khẩn trương thành lập một Đội “mai táng lợn” bao gồm các thành viên trong Tổ dân phố, Dân quân tự vệ, cán bộ cơ sở … để khi có tình huống xảy ra địa phương có lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời, tránh trường hợp bị động do phải thuê mướn người, phương tiện rất khó khăn như hiện nay.

Tích cực phối hợp với các cơ quan, đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy, tính đến ngày 6/6 đã có 53 tỉnh, thành phố bị dịch tả lợn châu Phi với khoảng 2,3 triệu con phải tiêu hủy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục