Các địa phương tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch, vận chuyển lúa

19:06' - 20/09/2021
BNEWS Các địa phương đã thành lập các tổ đội sản xuất, điều phối máy gặt đập có thể di chuyển thu hoạch lúa giữa các địa phương khá thuận lợi.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tình hình thu hoạch lúa Hè Thu và lúa sớm Thu Đông vẫn có tiến triển tốt. Những khó khăn trong thu hoạch, lưu thông, vận chuyển đã và đang được các địa phương tích cực tháo gỡ.

Theo Cục Trồng trọt, vụ Hè Thu 2021 các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống được 1,509 triệu ha. Đến nay, các tỉnh, thành đã thu hoạch được 1,38 triệu ha với năng suất 5,7 tấn/ha. Sản lượng ước đạt 7,87 triệu tấn. Diện tích còn lại của vụ Hè Thu chỉ khoảng 128.000 ha và dự kiến từ nay đến đầu tháng 10 sẽ thu hoạch xong.

Toàn vùng cũng đã xuống giống vụ Thu Đông được 562.000 ha trong kế hoạch 700.000 ha. Một số diện tích sớm đã cho thu hoạch được 67 ngàn ha với năng suất 5,2 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Như Cường, sau cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ lúa Hè Thu đầu tháng 8 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các tỉnh, thành phía Nam tình hình thu hoạch, tiêu thụ lúa đã tốt lên.

Các địa phương đã thành lập các tổ đội sản xuất, điều phối máy gặt đập có thể di chuyển thu hoạch lúa giữa các địa phương khá thuận lợi. Điều này, giúp cho giá lúa thời gian qua đã nhích lên và ổn định. Do dịch COVID-19 nên giá lúa tăng chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho biết, tình hình thu hoạch, tiêu thụ lúa đã ổn định hơn. Nhưng với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, việc bốc xếp hàng tại các cảng ở Tp. Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực. Lượng bốc xếp hàng hóa giảm đi rất nhiều so với trước khi dịch COVID-19.

Doanh nghiệp phải đóng hàng tại kho rồi vận chuyển bằng đường bộ hoặc đóng hàng tại các cảng ở miền Tây. Việc đóng hàng này phát sinh chi phí rất cao, năng lực bốc xếp hàng giảm nên khả năng xuất khẩu giảm.

Hiện việc lưu thông trên các tuyến đường đã được tháo gỡ nhưng lại khó khăn ở nhân lực bốc xếp hàng hóa. Ngay cả tại các nhà máy, do phải thực hiện giãn cách, hay phải theo phương án “3 tại chỗ” nên nguồn nhân lực chưa nhiều, ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Ông Đỗ Hà Nam cũng cho biết, việc triển khai thu mua gạo dự trữ quốc gia vừa qua cũng không đẩy giá lúa lên được nhiều. Với các doanh nghiệp thu mua tạm trữ cũng khó triển khai được mạnh mẽ bởi nguồn tài chính của doanh nghiệp hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa được tăng hạn mức vay trong khi hàng tồn kho tại doanh nghiệp vẫn cao.

Hiện nhiều địa phương đang nỗ lực thu hoạch xong lúa Hè Thu còn lại trong tháng 9. Điển hình như Tiền Giang đã cơ bản thu hoạch phần lớn diện tích lúa Hè Thu. Địa phương này đang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích lúa còn lại, tập trung ở các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh.

Các huyện, thị trong tỉnh Tiền Giang đều tạo điều kiện thuận lợi như cấp giấy đi đường cho nông dân, người điều khiển các phương tiện cơ giới và nhân công, thương lái qua chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 để ra đồng phục vụ thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ lúa hàng hóa, không để ảnh hưởng hoặc ùn ứ nông sản nhưng vẫn đảm bảo quy định chống dịch như tuân thủ thông điệp 5K, test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2…

Tại Bạc Liêu, 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đã đưa hàng trăm máy gặt đập liên hợp sang hỗ trợ nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa Hè Thu. Cộng với máy của địa phương là trên 460 máy đang hoạt động. Bạc Liêu sẽ thu hoạch dứt điểm gần 59.000 ha lúa Hè Thu vào ngày trong tháng 9.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung giữ ở mức ổn định. Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 4.900 đồng/kg, giá bình quân là 4.820 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.050 đồng/kg.

Với nỗ lực góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ Hè Thu 2021, đặc biệt là lúa tươi tại ruộng cho bà con nông dân, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã cung cấp danh sách các thương nhân đủ điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo theo địa bàn tỉnh, thành phố. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho hoạt động tiêu thụ lúa Hè Thu trong dân giữa tình hình dịch COVID -19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị UBND các địa phương tăng cường việc hỗ trợ cho khối doanh nghiệp ngành lương thực trong việc kết nối vùng sản xuất và đảm bảo khâu vận chuyển lúa tươi từ đồng về nhà máy sấy kịp thời theo từng địa bàn sản xuất lúa.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo  tháng 8/2021 đạt 499.033 tấn, trị giá 243,306 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 17,39% về số lượng và giảm 19,87% về trị giá. Lũy kế xuất khẩu gạo Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 8 đạt 3,986 triệu tấn, trị giá 2,129 tỷ USD. so với cùng kỳ số lượng giảm 13,42% và giá trị giảm 5,48%./.

>>Đề xuất hỗ trợ lúa giống cho nông dân ĐBSCL sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục