Các điểm vui chơi, giải trí phục vụ du khách ở Hà Nội: Cung đã bắt kịp cầu?

13:04' - 27/07/2016
BNEWS Cho đến nay, có thể nói, Hà Nội vẫn còn thiếu điểm vui chơi, giải trí, đặc biệt là những điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn. Có người còn nói vui, du khách đến Hà Nội muốn có chỗ tiêu tiền cũng khó.

Hà Nội hiện chỉ có một số công viên cũ được xây dựng từ nhiều thập kỷ qua, không thể mở rộng và cũng ít được đầu tư như công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo... Gần đây, trên địa bàn thành phố có thêm một số điểm vui chơi, giải trí khác như Thiên đường Bảo Sơn, công viên Hồ Tây có sự đầu tư nhưng chưa trở thành điểm đến có tầm, tính hấp dẫn chưa cao.

Các sân golf tại Đồng Mô, Vân Trì, Minh Trí, Long Biên… chỉ phục vụ một số đối tượng nhất định. Trong khi đó, nhìn sang các trọng điểm du lịch khác, Đà Nẵng có khu du lịch Bà Nà, Asia Park; Nha Trang và Phú Quốc có Vinpearl Land, Quảng Ninh có Sun World Ha Long Park, Thành phố Hồ Chí Minh có khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên…

Từ nhiều năm nay, trong chương trình tour của các công ty lữ hành, khách tham quan Hà Nội chủ yếu là các di sản văn hóa, làng nghề và kết nối với các điểm du lịch ở những địa phương lân cận.

Còn buổi tối, nhiều du khách thuộc lòng câu cửa miệng “ăn tối, rối nước”, gần đây có thêm một vài hoạt động khác phục vụ du khách vào buổi tối như các chương trình của nhà hát nghệ thuật, chợ đêm nhưng cũng chưa tạo nhiều điểm nhấn.

Đến thời điểm này, hầu như chưa có tour du lịch nào đưa điểm vui chơi, giải trí vào phục vụ du khách khi đến Thủ đô. Bởi điểm vui chơi giải trí có tầm thì... chưa có, còn điểm đã có lại chưa tạo sự hài lòng cho du khách.

Vòng quay mặt trời tại Ha Long Park. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Số ngày lưu trú của du khách ở Hà Nội hiện ở mức khá thấp; bình quân đạt 1,3 ngày/khách. Hà Nội chủ yếu trở thành điểm trung chuyển khách đến các địa phương khác. Có trường hợp nhiều đoàn khách đến Hà Nội nhưng có thể không dừng chân hoặc chỉ tạm nghỉ ở Hà Nội trong ngày rồi đi thẳng Hạ Long hay đi tiếp đến các địa phương khác.

Vì thế, mức chi tiêu của khách ở Hà Nội không cao, ảnh hưởng đến doanh thu xã hội từ du lịch. Đó là chưa kể đến Hà Nội còn thiếu các điểm mua sắm phục vụ khách du lịch để kích thích khả năng chi tiêu của khách.

Vấn đề Hà Nội thiếu điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn đã được những người làm công tác du lịch nhắc đến từ lâu. Ông Lê Mạnh Tú - một người nhiều năm gắn bó với Hà Nội nêu ý kiến: Tôi thấy nhiều công viên ở Hà Nội từ khi tôi còn nhỏ đến nay vẫn thế, không có gì đổi khác. Tôi mong muốn thành phố quan tâm đầu tư để du lịch Hà Nội xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình.

Đứng trên góc độ của một doanh nghiệp lữ hành, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist cũng thừa nhận, nhiều du khách cho rằng Hà Nội còn thiếu chỗ để du khách tiêu tiền. Hà Nội nên xây dựng nhanh các khu vui chơi, giải trí, tạo điều kiện để thu hút du khách đến Thủ đô nhiều hơn.

Từ nhiều năm nay, đặc biệt từ khi tái lập Sở Du lịch Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô luôn trăn trở xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch. Cùng với xây dựng các điểm đến du lịch hấp dẫn dựa trên tiềm năng du lịch sẵn có, Hà Nội cũng quan tâm đến các điểm vui chơi, giải trí tầm cỡ phục vụ du khách. 

Công viên Thống Nhất - Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố triển khai nhiều dự án phát triển du lịch, trong đó sẽ xây dựng nhiều điểm vui chơi, giải trí. Thành phố có kế hoạch đưa giải đua xe công thức 1 và giải tennis APT về Hà Nội, trong đó dự án đường đua xe công thức 1 sẽ nằm ở khu vực trục đường Nhật Tân – Nội Bài.

Cũng tại khu vực này, Tập đoàn SunGoup sẽ xây dựng công viên Kim Quy quy mô lên tới 198 ha theo mô hình Disneyland.

Tiếp đó, nhiều tập đoàn lớn khác sẽ xây dựng các công viên quy mô lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như: Tập đoàn Vingroup xây dựng công viên 300 ha ở huyện Gia Lâm, Tập đoàn BRG xây dựng công viên tại Đồng Mô (thị xã Sơn Tây) rộng gần 200 ha; hay dự án công viên rộng 72 ha ở quận Cầu Giấy, công viên rộng 78 ha ở quận Hà Đông.

Khu vực huyện Mỹ Đức tiếp tục được xây dựng sân golf 36 lỗ gắn kết với khu du lịch hồ Tuy Lai, hồ Quan Sơn. Thành phố cũng có ý tưởng xây dựng công viên địa chất từ Ba Vì đến Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Riêng khu vui chơi giải trí rộng 300 ha tại khu vực đền Sóc, huyện Sóc Sơn đang được khẩn trương thực hiện.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, định hướng phát triển du lịch giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu xây dựng 2 – 3 khu du lịch vui chơi, giải trí tầm cỡ quốc tế kết hợp truyền thống và hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực./.

>>> Khai trương kỹ thuật công viên ven sông lớn nhất cả nước

>>> Hà Nội khởi công xây dựng công viên và hồ điều hòa CV1

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục