Các doanh nghiệp ASEAN đẩy mạnh chống tham nhũng

20:10' - 28/08/2018
BNEWS Đáng chú ý, các công ty cam kết công khai chống tham nhũng đã tăng lên 70% trong năm 2018, so với mức 54% của năm 2016.

Một báo cáo mới nhất vừa được công bố cho thấy hoạt động chống tham nhũng tại các công ty niêm yết hàng đầu của khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được cải thiện trong hai năm qua.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về việc thiếu các biện pháp bảo vệ cũng như các hoạt động liên quan đến các mối quan hệ bên ngoài giữa các đại lý và nhà cung cấp với các tổ chức.

Nghiên cứu "Sự chia sẻ về Liêm chính trong kinh doanh ở ASEAN", được thực hiện bởi Mạng lưới trách nhiệm xã hội doanh nghiệp ASEAN (ACN) và trường Đại học quốc gia Singapore (NUS), đã được công bố tại Diễn đàn Kinh doanh có trách nhiệm ASEAN 2018 diễn ra trong hai ngày 27-28/8, tại Singapore.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia và các đại diện đến từ khu vực công, khu vực tư nhân và xã hội dân sự nhằm kết nối và thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, hợp tác lẫn nhau trong khu vực.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập thông tin của 50 công ty lớn nhất theo vốn hóa thị trường tại 5 quốc gia trong khu vực bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, nhằm đánh giá mức độ chia sẻ công khai của các doanh nghiệp này liên quan đến nỗ lực chống tham nhũng.

Theo đó, các công ty ở tất cả 5 nước ASEAN đạt mức trung bình 56% trong mức độ chia sẻ chung về thực hành chống tham nhũng, tăng 11% so với năm 2016. Trong số đó, Thái Lan duy trì vị trí dẫn đầu với tỷ lệ cao nhất là 67%, tăng từ mức 57% của năm 2016.

Singapore đứng thứ hai với tỷ lệ 55%, tăng từ mức 47%. Philippines và Malaysia cùng ở mức 53%. Trong khi, Indonesia vẫn ở vị trí thứ năm, nhưng đã được cải thiện từ mức 39% lên mức 51%.

Đáng chú ý, các công ty cam kết công khai chống tham nhũng đã tăng lên 70% trong năm 2018, so với mức 54% của năm 2016. Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp cam kết chống tham nhũng cũng được cải thiện đáng kể, từ 18% lên 38%.

Nghiên cứu chỉ ra các công ty của Thái Lan, nơi mà pháp luật đòi hỏi sự chia sẻ về tuân thủ và minh bạch, luôn luôn tốt hơn các công ty từ các nước ASEAN khác.

Bà Yanti Triwadiantini, Chủ tịch ACN, cho biết những phát hiện này cho thấy các quy định về quản trị doanh nghiệp của mỗi quốc gia ảnh hưởng đến chất lượng công bố thông tin trong báo cáo hàng năm cũng như các quy tắc ứng xử của các công ty.

Do vậy, theo bà Yanti Triwadiantini, các nhà hoạch định chính sách và các công ty cần duy trì nỗ lực để nâng cao hơn nữa mức độ công khai và minh bạch trong cuộc chiến chống tham nhũng ở ASEAN.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song bà Nguyễn Thị Phương Thảo-thành viên của tổ nghiên cứu- cũng thừa nhận báo cáo chưa tiến hành được ở các quốc gia khác trong khu vực mà phần lớn là do sự tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về kinh doanh có trách nhiệm giúp giải quyết những thách thức chính mà ASEAN đang phải đối mặt bao gồm sự liên chính trong kinh doanh và chống tham nhũng, tài chính, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, biến đổi khí hậu và phát triển môi trường bền vững...

Đại diện đến từ Việt Nam, bà Đinh Thị Bích Xuân-Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Thúc đẩy liêm chính minh bạch trong doanh nghiệp là một vấn đề hết sức phức tạp đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của các bên; trong đó VCCI với vai trò là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp đã giữ vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ.

Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó mở rộng phạm vi điều chỉnh đến khu vực tư nhân. Điều này cho thấy khu vực tư nhân đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy liêm chính, bởi một mình doanh nghiệp không thể giải quyết được vấn đề tham nhũng. Mà ở đó, chính phủ sẽ là cơ sở để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện liêm chính cũng như là trong hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, VCCI đã triển khai một sáng kiến về liêm chính giữa doanh nghiệp và chính phủ nhằm tăng sự kết nối, hợp tác giữa chính phủ với doanh nghiệp, hy vọng sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng là chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để kiến tạo một môi hình kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng tại diễn đàn lần này, một Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp ASEAN (AMEN) trên cơ sở sáng kiến của Philippines - nước Chủ tịch luân phiên 2017, là đã chính thức được ra mắt. Sáng kiến này nhằm mục đích phát triển một hệ sinh thái để tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ-khu vực vốn cung cấp hơn một nửa số việc làm, đóng góp tới 50% GDP và từ 19-31% xuất khẩu trong khu vực. Mạng lưới này sẽ tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế kỹ thuật số, thương mại, công nghiệp và nông nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục