Các doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

17:17' - 21/10/2015
BNEWS Trả lời phỏng vấn BNEWS, các doanh nghiệp, chuyên gia và người dân đều bày tỏ sự phấn khởi trước những chuyển biến tích cực của nền kinh tế mà Thủ tướng đã đề cập trong báo cáo tại kỳ họp Quốc hội.

Bày tỏ ý kiến về Báo cáo về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và năm 2016 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, phần lớn các chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp, người dân đều phấn khởi với niềm lạc quan vào tình hình kinh tế đất nước có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, để kinh tế duy trì ổn định và có thể “tăng tốc”, trong thời gian tới Chính phủ cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020.

Nhiều điểm sáng mới

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, với những nền tảng mà Việt Nam đã tạo dựng được về mặt cơ chế, chính sách cũng như kết quả thực tế đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, triển vọng kinh tế năm 2016 chắc chắn có những điểm sáng mới tốt hơn. Về tổng thể, Việt Nam ít nhất sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 7% trong năm 2016 với các yếu tố tích cực kể cả về đầu tư cho xuất khẩu, cũng như liên quan đến tiêu dùng của các hộ gia đình.

TS Vũ Đình Ánh. Ảnh: Bnews

Tiếp đến là do tác động của mở cửa hội nhập, đặc biệt là trong rất nhiều các hiệp định thương mại tự do đều đánh giá là Việt Nam có lợi ít nhất trên 3 mặt là tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu. Thêm vào đó, là các hoạt động về tiêu dùng cũng sẽ được cải thiện. Một điểm nữa trong năm 2016 sẽ có những chuyển biến rất tích cực cũng do tác động của việc mở cửa hội nhập khi Việt Nam đẩy mạnh cải cách sẽ kéo theo đổi mới nền kinh tế. Trong đó, có cả đổi mới về cải cách thể chế kinh tế, làm sao để Việt Nam nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong năm 2016, Việt Nam cũng phải đối mặt với khá nhiều vấn đề; đặc biệt là vấn đề quản lý nợ công. Khi mà những thông tin cho thấy rằng, quy mô nợ công cũng như các nghĩa vụ trả nợ có xu hướng tăng lên, rất có thể ảnh hưởng tới các cân đối của Việt Nam .

Theo đó, cân đối ngân sách Nhà nước và các cân đối về đối ngoại sẽ liên quan đến quy mô dự trữ ngoại hối trong thời gian tới. Đây là những điểm mà Việt Nam cần đặc biệt chú ý song hành với những cơ hội và những thuận lợi.

Đẩy mạnh sản xuất trong nước

Đánh giá về mục tiêu và chỉ số phát triển công nghiệp được đề ra trong báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, Việt Nam có thể đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch HH Thép Việt Nam. Ảnh: Bnews

Đặc biệt trong bối cảnh tham gia hội nhập sâu rộng như hiện nay thì sự đầu tư của các nước trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ là rất mạnh. Đây cũng là tiền đề cho các doanh nghiệp cơ khí nhỏ và vừa Viêt Nam có cơ hội phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Đối với ngành thép, hiện công suất sản xuất trong nước đang dư thừa, nên đủ khả năng đóng góp, cung ứng cho xây dựng, phát triển kinh tế…và hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa trong xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường trong nước được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn trong những năm tới, do phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc và các nước lớn về công nghiệp sản xuất thép như Nga, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, ở chiều xuất khẩu, các doanh nghiệp đang gặp nhiều rào cản từ các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước. Điều này cũng khiến cho việc xuất khẩu chưa được như kỳ vọng.

Để giải quyết tình trạng này, giúp doanh nghiệp phát triển, góp phần đảm bảo được mục tiêu phát triển công nghiệp trong nhiều năm tới, rõ ràng, bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao sức cạnh tranh của mình bằng việc giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, công nghệ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nắm rõ các điều khoản, ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do, để từ đó có được chiến lược và định hướng thị trường hợp lý; nghiên cứu kỹ các biện pháp phòng vệ thương mại như chống trợ giá, chống bán phá giá… để phòng vệ trong nước và khi xuất khẩu.

Về phía Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ nỗ lực tập hợp tiếng nói của doanh nghiệp, kiến nghị lên các bộ, ngành và Chính phủ để quản lý tốt hơn nữa tình trạng thép giá rẻ, gian lận thương mại ở thị trường trong nước…

Đầu tư phát triển khoa học công nghệ

Còn ông Phạm Tiến Dũng, Tổng Giám đốc PV Drilling cho rằng, mục tiêu thực hiện đẩy mạnh sản xuất và phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới là hoàn toàn có tính khả thi, nếu ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí và công nghệ cao trong nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm trong nước. Trong những năm qua, bên cạnh việc cập nhật và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ đã được công nhận và phát triển thì PV Drilling cũng luôn chú trọng khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển…

Ông Phạm Tiến Dũng, Tổng Giám đốc PV Driling VN. Ảnh:Bnews

Hiện tại, các hoạt động cho nghiên cứu và phát triển của công ty vẫn đang được thực hiện tại các đơn vị. Tuy nhiên, để có được thành tựu lớn hơn nữa, trong thời gian tới, Tổng công ty lập kế hoạch xây dựng riêng một trung tâm nghiên cứu và phát triển phục vụ phát triển các hoạt động của mình.

Mục tiêu là sẽ quy tụ hoạt động nghiên cứu công nghệ tại các đơn vị thành viên, qua đó có định hướng phát triển một cách hệ thống và hiệu quả, thực sự mang lại bước tiến về chất lượng cho các dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng. Đặc biệt, lĩnh vực dầu khí là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao, sự chuẩn xác… Do vậy, bên cạnh việc nghiên cứu những giải pháp, công nghệ mới, Tổng công ty cũng sẽ đẩy mạnh cải thiện chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực có chất lượng cao, khả năng làm chủ công nghệ.

Tăng tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa

Ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Tổng công ty may Hưng Yên bày tỏ sự đồng tình khi Chính phủ đang tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm tăng tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất; nhất là thông qua việc mua hàng tiêu dùng hoặc triển khai hoạt động hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc mua sản phẩm của nhau thay vì nhập khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Dương- Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May Hưng Yên. Ảnh: Bnews

Hiện nay doanh nghiệp đang có hướng mở thêm Khu công nghiệp Rạng Đông để tăng khả năng kéo các nhà đầu tư dệt nhuộm nhằm hoàn tất quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, công nghệ và kỹ thuật đang phải dựa vào nước ngoài. Chẳng hạn như vốn để xuất khẩu được 25 tỷ USD thì phải đầu tư 30 tỷ USD, nhưng để có được số vốn này là cả vấn đề lớn. Vì vậy, đến nay hầu hết doanh nghiệp đều khó khăn về vốn và phải dựa vào nước ngoài hoặc dựa vào ngân hàng đầu tư vào. Do đó, nếu có thể được, Nhà nước nên ưu đãi hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu để 5 tới 7 năm sau doanh nghiệp có thể khấu hao và có lãi mang về.

Ngoài ra, Nhà nước cần "cởi bỏ" chính sách thuê đất, môi trường giảm sức ép cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, hiện nay chính sách của Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải quy hoạch để nước thải đạt loại A (là có thể uống được). Do vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài e ngại đầu tư vào Việt Nam bởi nếu mua 1 mét khối nước sạch là 70 nghìn đồng mà thải 1 mét khối nước thải cũng mất 30 nghìn đồng. Vì thế, Nhà nước cần có lộ trình hợp lý để doanh nghiệp chuyển đổi dần dần.

Người dân được hưởng lợi nhiều hơn

Bà Nguyễn Kim Chi, phố Nguyễn Thị Định, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, theo dõi Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, người dân chúng tôi rất phấn khởi vì những chỉ tiêu kinh tế đất nước đã đạt được trong suốt 5 năm qua và đặc biệt trong năm 2015. Nhưng thiết thực nhất mà người dân được hưởng lợi trực tiếp là nhờ chỉ số lạm phát giảm, giá tiêu dùng ổn định hơn, một số mặt hàng có xu hướng giảm.

Bà Nguyễn Kim Chi, Hà Nội. Ảnh: Bnews

Thông tin Việt Nam sắp tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương tôi hy vọng đời sống người dân sẽ được cải thiện hơn nữa. Vì khi đó người tiêu dùng sẽ được sử dụng những thực phẩm ngoại hiện đang khá đắt đỏ có giá rẻ hơn cũng như sản phẩm Việt Nam sản xuất sẽ có chất lượng cao hơn. Kinh tế phát triển, hạ tầng giao thông cũng được cải thiện, với nhiều tuyến đường được xây mới, mở mang, giúp giao thông thuận lợi.

Tuy nhiên, là người nội trợ trong gia đình, chúng tôi rất lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Tôi mong rằng, Nhà nước cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong công tác kiểm dịch để người dân chúng tôi không chỉ được ăn ngon mà còn được ăn thực phẩm sạch, an toàn.

Về vấn đề giao thông, tôi đề nghị có sự chỉ đạo để các đơn vị thi công có biện pháp thi công hợp lý, chẳng hạn như thi công đến đâu thì lập rào chắn ngăn đường tới đó, tránh ảnh hưởng tới đi lại của người dân./.

Nhóm phóng viên BNEWS

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục