Các doanh nghiệp thích ứng ra sao với điều chỉnh giá điện?

11:12' - 21/03/2019
BNEWS Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nhiều năng lượng cho biết, họ đã có sẵn các giải pháp để ứng phó với sự điều chỉnh này.
Bộ Công Thương ban hành khung giá điện năm 2019. Ảnh: nguồn Bộ Công Thương
Bộ Công Thương vừa có quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy đinh giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân mới sẽ là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh). Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nhiều năng lượng cho biết, họ đã có sẵn các giải pháp để ứng phó với sự điều chỉnh này.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), bình quân để sản xuất ra 1 tấn thép các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 600 KWh điện, chiếm khoảng 9% giá thành, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ 5 – 6%.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học – kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng như lò điện hồ quang, nhiệt độ thải khí nóng được tận dụng để sấy thép phế khi đưa vào lò nung… nhưng chi phí cho điện vẫn khá lớn. Ước tính sơ bộ của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, nếu giá điện tăng hơn 8%, giá thành sản xuất thép tăng thêm khoảng 100.000 đồng/tấn. Các doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh giá bán ra, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu toàn bộ chi phí này.

Theo ông Sưa, giá than, điện, xăng dầu được xác định theo đúng giá thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, góp phần minh bạch nền kinh tế, để nền kinh tế có lãi thực, không còn tình trạng lãi, lỗ ảo. Để ứng phó với nguy cơ thiếu điện cũng như việc điều chỉnh giá điện ngành thép đã thống nhất về chủ trương, kế hoạch và các giải pháp để bảo đảm cung cấp điện cho ngành sản xuất thép. VSA xây dựng danh sách những doanh nghiệp đủ điều kiện để được ưu tiên tiếp tục cấp điện cho sản suất. Đó là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến hoặc đã cải tiến để áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thép tiết kiệm, hiệu quả.

Là một doanh nghiệp lớn sử dụng điện trong quá trình sản xuất, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch ứng phó với tình hình này. Tập đoàn có nhiều đơn vị khai thác than hầm lò với 478 lò chợ hoạt động trong kỳ và 196 lò chợ khai thác nên không chỉ từ bây giờ mà trước đó, Tập đoàn đã chú trọng đến việc triển khai ứng dụng cơ giới hoá, tự động hoá vào sản xuất kinh doanh. Điều này không chỉ giúp các đơn vị trong Tập đoàn nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo chất lượng than đáp ứng yêu cầu khách hàng mà còn tiết kiệm điện trong sản xuất.

Điện chiếm khoảng 9% giá thành sản xuất thép. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
Cùng với việc sản lượng khai thác hầm lò ngày càng tăng, số lượng mét đào lò của các đơn vị trong TKV cũng ngày một lớn. Bởi vậy, việc áp dụng công nghệ cao trong khai thác, một mặt để đáp ứng nhanh sản lượng, mặt khác nhằm giảm nhu cầu về nhân lực thợ lò, một vấn đề xã hội không nhỏ, đồng thời nâng cao chất lượng than, đảm bảo môi trường… Vấn đề áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong đào lò là rất cần thiết; trong đó, công nghệ đào chống lò bằng vì neo được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đào lò, giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như tiết kiệm điện trong sản xuất. Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã có kế hoạch ứng phó với những biến động của giá điện, từ đó, TKV lựa chọn sản xuất vào giờ thấp điểm để tiết giảm chi phí điện cũng như tăng hiệu quả sản xuất cho công nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí SKD Việt Nam, trong cơ cấu giá sản phẩm, chi phí tiền điện chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 15-20%. Do vậy, việc tăng giá điện dự kiến trong thời gian tới ít, nhiều sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì là doanh nghiệp nhỏ nên SKD khó có thể đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng hiện đại, nhưng đơn vị đã bố trí lại lịch làm việc, sắp xếp máy móc thuận tiện, khoa học hơn, cùng với đó, tận dụng tối đa lượng ánh sáng mặt trời vào sản xuất để tiết giảm điện năng.

Công ty cổ phần Đông Bình, chuyên sản xuất hàng dệt may cho biết, chi phí tiền điện chiếm khoảng từ 12-15% trong giá thành sản phẩm của công ty. Nay giá điện tăng chắc chắn chi phí sản xuất tăng, tác động đến giá hàng hóa. Trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm. Doanh nghiệp buộc phải chủ động tính toán để tránh làm vào giờ cao điểm. Song nếu để công nhân làm ca đêm để chọn thời gian thấp điểm, giá điện giảm để giảm chi phí tiền điện, nhưng lại phải bù tiền cho công nhân làm ca 3 thì cũng tội nên doanh nghiệp dự tính sẽ luân phiên cho công nhân thực hiện các ca làm việc hợp lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục