Các giải pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí sản xuất nông nghiệp

08:04' - 22/05/2019
BNEWS Những năm gần đây, giá cả các loại nông sản tại Đắk Lắk liên tục giảm sâu nhưng chi phí sản xuất lại tăng cao, một phần do giá điện và xăng tăng.
Trồng cà phê ở Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Tình trạng này khiến đời sống nhân dân và cơ sở sản xuất tại tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện, xăng nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất. 

Đắk Lắk hiện là tỉnh tập trung nhiều diện tích cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cà phê (khoảng 205.000ha), hồ tiêu (38.808 ha)… cùng các loại nông sản khác.

Để phục vụ cho việc tưới tiêu trên diện tích sản xuất khá lớn, người dân cần tiêu thụ nhiều điện năng, do đó khi giá điện tăng khiến chi phí sản xuất cũng gia tăng.

Theo ông Hoàng Đức Khóa, nông dân trồng hồ tiêu tại xã Ea Hu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), hàng năm người trồng cà phê, hồ tiêu sử dụng lượng điện năng khá lớn để tưới cho cây trồng, trong khi giá nông sản liên tục hạ, chi phí sản xuất lại tăng do giá điện vừa được điều chỉnh, về lâu dài nông dân cần đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, đây là giải pháp tối ưu không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng cây trồng, giảm nhân công mà còn giúp tiết kiệm điện, giảm thiểu chi phí sản xuất.

Ông Y Bhung Ayun, buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar cho biết, gia đình có 1 ha trồng xen canh hồ tiêu với cà phê, mỗi năm đều tiêu thụ một lượng điện lớn để tưới nước 5 - 6 lần.

Việc điều chỉnh giá điện và tính giá điện theo bậc thang hiện nay kéo theo chi phí sản xuất tăng trong khi giá nông sản liên tục “xuống dốc” khiến nông dân không khỏi lo lắng.

Để hạn chế tác động của việc tăng giá điện đến chi phí sản xuất, ngoài việc sử dụng điện để tưới nước cho cây trồng, ông Y Bhung Ayun còn sử dụng động cơ chạy bằng dầu diesel để tưới cho diện tích cây trồng.

Việc các chi phí sản xuất tăng không chỉ ảnh hưởng đến các hộ làm nông nghiệp mà còn tác động đến các cơ sở sản xuất.

Anh Phan Nguyên Bic, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao AGRIECO Việt Nam cho biết, do đặc thù trồng rau thủy canh áp dụng nông nghiệp công nghệ cao nên thường xuyên tiêu thụ lượng điện năng lớn để vận hành hệ thống máy móc.

Bên cạnh đó, khi giá xăng tăng dẫn đến việc phân phối sản phẩm đến điểm tiêu thụ cũng chịu tác động.

Do đó, khi chi phí sản xuất tăng cao phía doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm cho phù hợp và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ.

Trong thời gian tới, đơn vị cũng nghiên cứu và đưa vào sử dụng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện, để giảm tối đa chi phí sản xuất do điện tăng giá, ổn định giá thành sản phẩm nhằm phục vụ tốt nhất người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk Lê Hoài Nhơn cho hay, để hạn chế mức tiêu thụ điện năng, người dân và các cơ sở sản xuất cần thực hiện việc tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết sử dụng.

Đặc biệt, cần tăng cường lắp đặt và sử dụng những thiết bị chiếu sáng, máy móc tiết kiệm điện nhằm giảm chi phí điện sinh hoạt và điện sản xuất trong bối cảnh giá bán điện vừa được điều chỉnh trong tháng 3/2019.

Theo ông Y’ Khút Niê, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, việc giá điện, xăng đều tăng đã làm tăng thêm chi phí sản xuất của người dân Đắk Lắk, trong khi đó, giá các loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu và các nông sản khác đều giảm mạnh trong những năm gần đây. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân, đặc biệt trong việc đầu tư, duy trì sản xuất.

Vì vậy, người dân và các đơn vị kinh doanh sản xuất cần tính toán kỹ lưỡng việc dùng điện, xăng trong sinh hoạt và sản xuất, tiết kiệm đến mức có thể để hạn chế tác động của việc tăng giá các mặt hàng này.

Các đơn vị chức năng  cũng cần tính toán, đưa các loại nông sản chủ lực như tiêu, cà phê vào danh mục được bảo trợ giá, để ổn định giá cả các loại nông sản chủ lực.

Từ đó, hạn chế tác động của việc tăng chi phí sản xuất và giảm bớt khó khăn cho người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục