Tiết kiệm điện để ổn định giá thành sản phẩm

11:36' - 22/03/2019
BNEWS Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, họ đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện trong sản xuất nhằm giữ ổn định giá thành sản phẩm.
Bộ Công thương công bố tăng giá điện lên 1.864,44 đồng/kWh, tăng 8,36% so với mức bán lẻ bình quân hiện hành là 1.720,65 đồng/kWh. Ảnh: Danh Lam -TTXVN
Điện là yếu tố đầu vào không thể thiếu đối với các ngành, lĩnh vực như: sản xuất máy móc, thiết bị công nghiệp, dệt may, da giày... Nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này cho biết, trước việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019, họ đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện trong sản xuất nhằm giữ ổn định giá thành sản phẩm.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho rằng, giá điện được điều chỉnh tăng kéo theo chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng, trong khi các đơn hàng doanh nghiệp đã ký với đối tác từ trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Do vậy, không có cách nào khác là doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, thời gian làm việc vào giờ thấp điểm, tận dụng tối đa năng lượng thiên nhiên để giảm tiêu thụ điện năng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN
Theo ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10, việc giá điện tăng sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện tốt hơn nữa sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều có chung suy nghĩ muốn phát triển bền vững phải quan tâm đến sản xuất sạch mà khái niệm này đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1990.

“Chúng ta phải tiếp cận theo hướng làm sao để giảm chất thải, phát thải và doanh nghiệp phải chủ động ngay từ khâu sản xuất. Với chi phí điện tăng, nếu doanh nghiệp không thay đổi sẽ giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó phải đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện hơn, sử dụng thiết bị tiết kiệm điện năng...”, ông Long bày tỏ.

Ông Lê Thanh Thủy, Giám đốc Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên cho biết, mỗi tháng công ty sử dụng điện với chi phí khoảng 1 tỷ đồng. Với giá điện điều chỉnh tăng mới đây, dự kiến mỗi tháng công ty phải chi thêm gần 90 triệu đồng. Như vậy, giá điện tăng thêm làm tăng giá thành sản phẩm, nhưng Công ty cũng chưa nghĩ đến việc tăng giá bản sản phẩm.

Hiện nay, Công ty đang nỗ lực áp dụng mọi biện pháp để cắt giảm chi phí sản xuất. Công đoạn nào tiết kiệm điện được đều triển khai thực hiện, thậm chí trong văn phòng còn quy định nhiệt độ ngoài trời đến ngưỡng nào mới được bật máy lạnh. Các công đoạn sản xuất cũng được ứng dụng khoa học công nghệ để đạt hiệu quả cao nhất.

Là doanh nghiệp sản xuất các thiết bị sử dụng điện như điều hòa biến tần Inverter giúp tiết kiệm điện, Daikin Việt Nam luôn đặt ra yêu cầu tiết kiệm năng lượng lên hàng đầu. Theo bà Lý Thị Phương Trang, Tổng giám đốc Daikin Việt Nam, Daikin Việt Nam luôn sử dụng các thiết bị một cách khoa học và tối ưu nhất. Đơn cử như việc vận chuyển các linh kiện, thiết bị trong nhà máy, hoàn toàn sử dụng hệ thống tự động chạy bằng ắc quy và nâng cơ học để giảm thiểu sử dụng điện.

Dây chuyền sản xuất điều hòa tại Nhà máy Daikin Việt Nam. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
“Chúng tôi thường xuyên đảm bảo quy trình và thời gian sản xuất khoa học để đảm bảo sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Ngoài ra, giá điện tăng cũng là áp lực giúp các doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị, hệ thống sản xuất tiêu hao ít năng lượng.”, bà Trang nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, với mức tăng giá điện 8,36%, Bộ Công Thương đã thực hiện khảo sát các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện. Theo đó, ngành sản xuất xi măng, sắt thép... có thể trả thêm tiền điện từ 7,19% đến 8,44%, tương đương tăng thêm từ 13 triệu đồng đến 95 triệu đồng/tháng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục