Các hãng hàng không cảnh báo nạn trộm cắp hành lý xách tay trên máy bay

09:43' - 08/11/2018
BNEWS Nạn trộm cắp hành lý tại sân bay không phải là hiện tượng mới, thậm chí còn trở thành “ác mộng” của các hành khách, không riêng Việt Nam mà trên khắp các sân bay trên thế giới.
Hành khách nên sử dụng hành lý có khóa, hạn chế để đồ vật có giá trị trong hành lý và thông báo cho tiếp viên khi phát hiện đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Ảnh: Vietnam Airlines

Mới đây, các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đều đồng loạt khuyến cáo hành khách nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối tượng trộm cắp hành lý xách tay trên máy bay.

*Mất hành lý ngay trước “mắt” mình

Khi hành khách tưởng đâu hành lý xách tay sẽ được đảm bảo an toàn vậy nhưng gần đây các hãng hàng không lại cảnh báo nhiều trường hợp tài sản cá nhân trong hành lý xách tay bỗng dưng “không cánh mà bay”. 

Mới đây, tiếp viên trên một chuyến bay giữa Sài Gòn – Hongkong (Trung Quốc) đã phát hiện hành khách quốc tịch Trung Quốc là Y.C.H lấy trộm 5.000 nhân dân tệ (tương đương gần 18 triệu đồng) và 3 triệu đồng từ hành lý của hành khách M.D.V ngồi hàng ghế trên.

Trước đó không lâu, vào giữa tháng 8, với thủ đoạn tương tự, đối tượng Y.J trên chặng bay Hà Nội – Viên Chăn (Lào) đã lấy ba lô của khách ngồi cách đó 7 hàng ghế để lục lọi lấy tiền, nhưng rất may tiếp viên phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Càng vào mùa cuối năm, nạn trộm cắp càng diễn ra với tần suất cao. Bên cạnh tiền mặt, những hiện vật nhỏ gọn nhưng giá trị lớn như điện thoại, đồng hồ, máy ảnh, trang sức...cũng là mục tiêu hàng đầu của đối tượng trộm cắp. Thủ đoạn trộm cắp cũng càng lúc càng tinh vi, thậm chí có đối tượng còn đóng vai doanh nhân đi máy bay hạng Thương gia để có nhiều cơ hội ra tay hơn và tài sản to hơn.

Các đối tượng trộm cắp sẽ theo dõi và lựa chọn những hành khách phù hợp ngay từ khâu làm thủ tục bay. Tiếp đến, chúng sẽ lợi dụng thời điểm nạn nhân và những người xung quanh đang chợp mắt, tiếp viên không có mặt để lục lọi và trộm đồ trên máy bay, ở cả khoang hạng Thương gia và hạng Phổ thông.

Các loại hành lý có vẻ ngoài sang trọng, đắt tiền sẽ dễ bị kẻ xấu tấn công hơn do chúng cho rằng bên trong cũng sẽ có nhiều đồ đắt giá. Đối tượng trộm cắp thường lựa chọn chuyến bay nội địa Việt Nam và giữa các nước Đông Nam Á – các điểm đến không yêu cầu thị thực khi đi du lịch.

Nạn trộm cắp hành lý tại sân bay không phải là hiện tượng mới, không riêng Việt Nam mà trên khắp các sân bay trên thế giới. Ảnh: minh họa/TTXVN

*Khuyến nghị hành khách chủ động phòng ngừa

Theo Ủy ban An ninh hàng không thuộc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), Văn phòng Interpol và cảnh sát sân bay của một số quốc gia khu vực châu Á, thì đây là một dạng tội phạm có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp, tinh vi và tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động.

Vì vậy, để phòng ngừa loại hình tội phạm có chiều hướng gia tăng này, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đang phối hợp với các cơ quan chức năng, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp xử lý.

Đối với phía các hãng bay, những tiếp viên đều được huấn luyện kỹ năng phòng chống trộm cắp, kịp thời phát hiện đối tượng nghi vấn, có biểu hiện lục lọi hành lý trên chuyến bay.

Những đối tượng có tiền sử trộm cắp trên máy bay cũng đều bị cập nhập vào danh sách từ chối vận chuyển (blacklist) hoặc cảnh báo (watchlist) trên toàn hệ thống đặt chỗ, bán vé, phục vụ mặt đất trong, ngoài nước để phòng ngừa từ sớm.

Khi phát hiện vụ việc trộm cắp trên máy bay, trong quyền hạn của mình, các hãng hàng không sẽ lập biên bản vi phạm, thu giữ tang vật và bàn giao đối tượng cho cơ quan an ninh xử lý theo đúng quy định pháp luật. 

Bên cạnh đó, hành khách cũng nên tự biết cách bảo vệ chính mình như sử dụng hành lý xách tay có khóa; hạn chế để tiền mặt, đồ vật có giá trị cao trong hành lý xách tay; hành khách cần chú ý tự bảo quản tư trang, tài sản cá nhân trong suốt hành trình, đồng thời, thông báo cho tiếp viên ngay khi phát hiện các đối tượng nghi vấn trộm đồ của mình hoặc hành khách khác.

Nạn trộm cắp hành lý tại sân bay không phải là hiện tượng mới, thậm chí còn trở thành “ác mộng” của các hành khách, không riêng Việt Nam mà trên khắp các sân bay trên thế giới. Bên cạnh việc xử lý của các hãng hàng không và cơ quan chức năng, hành khách cũng cần tự nâng cao cảnh giác để phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục