Các mặt hàng làng khô Trần Đề vào mùa Tết

09:01' - 10/02/2018
BNEWS Năm nay, khô Trần Đề tiếp tục đa dạng về chủng loại, cải tiến về mẫu mã và kỹ thuật xẻ, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến mua hàng.
Các mặt hàng làng khô Trần Đề vào mùa Tết. Ảnh minh họa: TTXVN
Đến hẹn lại lên, khi thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, làng khô Trần Đề ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng lại tất bật, nhộn nhịp kẻ bán người mua, người làm, người phơi các loại mặt hàng khô cá, mực, tôm các loại để phục vụ cho thị trường Tết. Năm nay, khô Trần Đề tiếp tục đa dạng về chủng loại, cải tiến về mẫu mã và kỹ thuật xẻ, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến mua hàng.

Những ngày này, quanh khu vực Cảng cá Trần Đề và khu vực dọc cầu Cảng, vàm Kinh Ba, trung tâm hành chính huyện là hình ảnh khô cá các loại được trải dài trên các dàn phơi. Mùi mặn của biển, mùi cá, mực, tôm thoảng trong gió cộng với hình ảnh nhộn nhịp người bán người mua, người sơ chế, làm không khí thị trấn Trần Đề nhộn nhịp hẳn lên, mang cái Tết đến gần hơn với người dân.

Năm nay, khô Trần Đề tiếp tục đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại với hàng trăm loại; từ khô cá đù đù, khô cá đuối hai dao, khô cá chèo bẻo, khô cá lưỡi trâu đến khô hắc cấy, khô mực và khô tôm các loại. Đa số giá các loại khô bằng năm trước, riêng khô hắc cấy có giá 5,5 triệu đồng/kg, do mặt hàng này nhập về hiếm; cao hơn năm trước 1,3 triệu đồng/kg. Giá khô các loại phong phú tùy vào chất lượng từng loại. Khô mực có giá từ 350.000 – 850.000 đồng/kg, khô tôm có giá 550.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/kg. Khô cá thấp nhất là khô cá đù đù với giá 55.000 đồng/kg. Riêng cá tươi các loại như cá gáy, cá kẽm, cá đuối, cá mó có giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg; cá bóp có giá 150.000 – 200.000 đồng/kg.

Anh Lê Văn Dũng, ấp Cảng Trần Đề, thị trấn Trần Đề cho biết, gia đình anh đã có hàng chục năm kinh nghiệm làm khô. Năm nay, gia đình anh bán hơn 30 khô các loại; không khí mua bán khô nhộn nhịp từ ngày 10/12 Âm lịch đến nay. Cửa hàng của gia đình và các cửa hàng lân cận đã chuẩn bị đầy đủ hàng cung ứng cho thị trường Tết nên năm nay giá khô các loại không tăng, giá bán Tết bằng giá bán ngày thường. Dự đoán giá sẽ tiếp tục bình ổn đến Tết Nguyên đán.

Hiện nay, khách hàng mua khô chủ yếu là các hộ kinh doanh từ các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre hoặc Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước đến Trần Đề lấy sỉ về bán. Khách hàng mua lẻ đa phần dùng để biếu Tết, số lượng khách mua để tiêu dùng ngày Tết chưa nhiều và dự kiến những ngày giáp Tết, lượng khách mua lẻ sẽ tăng.

Khô Trần Đề năm nay hấp dẫn người mua không chỉ ở sự đa dạng sản phẩm mà còn ở kỹ thuật xẻ, mẫu mã chỉn chu. Ông Nguyễn Thành Đồng, ấp Cảng Trần Đề, thị trấn Trần Đề cho biết, gia đình ông sinh sống ở gần cảng cá Trần Đề đã 30 năm. Năm nay, các mặt hàng khô Trần Đề có nhiều loại hơn, kỹ thuật xẻ - ướp muối của người dân có tiến bộ rõ rệt nên nhìn khô thấy ngon và bắt mắt hơn. Năm nào gia đình ông cũng mua biếu bạn bè trong tỉnh Sóc Trăng và người thân ở Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, được mọi người ưa chuộng và khen ngon.

Khô Trần Đề hiện chủ yếu vẫn được làm bằng thủ công, phơi một nắng từ khoảng 7 giờ đến 13 giờ chiều. Giá cả phải chăng, mặt hàng phong phú, chất lượng đảm bảo, độ mặn vừa ăn là một trong những lý do khiến khô Trần Đề luôn thu hút khách hàng quanh năm, đặc biệt là trong dịp Tết đến Xuân về.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 7/2017, chuyến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo đi vào hoạt động đã mang lại lượng khách lớn cho Trần Đề trong việc tiêu thụ khô. Trung bình mỗi ngày có khoảng 500 lượt khách đi, về Trần Đề. Các hộ bán khô ngày thường lẫn dịp Tết tăng khoảng 30% lượng hàng bán ra mỗi ngày.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho khô Trần Đề phong phú, dồi dào khi Trần Đề có hàng trăm phương tiện khai thác biển. Trong định hướng phát triển, thị trấn Trần Đề đang liên hệ với các ngành chức năng của huyện, tỉnh vận động các hộ kinh doanh đăng ký các thương hiệu khô có giá trị kinh tế cao như khô mực, khô hắc cấy, khô cá đuối hai dao. Từ đó, nâng cao uy tín với các thương hiệu khô của thị trấn Trần Đề trong tương lai, tạo niềm tin bền vững với người tiêu dùng.

Điểm nhấn trong việc làm khô Trần Đề là các hộ đã tự ý thức về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động theo học các lớp tập huấn và tuân thủ quy trình để đưa ra thị trường các mặt hàng khô đảm bảo yêu cầu của người tiêu dùng. Chia sẻ về nghề làm khô ở thị trấn Trần Đề, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Trần Đề cho biết, các hộ làm khô chủ yếu là cha truyền con nối, làm nhiều loại khô từ bình dân đến cao cấp. Nhìn chung, các hộ làm khô đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nông dân lúc nông nhàn.

Có mặt ở thị trấn Trần Đề - nơi kinh doanh khô lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng những ngày này, hòa chung vào không khí tấp nập, nhộn nhịp mua bán nơi đây dễ dàng cảm nhận được sự đủ đầy, ấm cúng, háo hức của một năm mới đang đến gần. Việc tận dụng hiệu quả lợi thế từ thiên nhiên ban tặng là đánh bắt thủy, hải sản và làm khô đã mang đến cho thị trấn Trần Đề một nét rất riêng, một tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, hứa hẹn những cái Tết đậm đà hương vị biển, sung túc, đủ đầy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục