Các ngân hàng Arập mong muốn đầu tư vào ngành ngân hàng Liban

09:25' - 05/08/2023
BNEWS WB đánh giá khủng hoảng tài chính tại Liban là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên toàn thế giới kể từ giữa thế kỷ 19, chủ yếu do quản lý tài chính yếu kém và nạn tham nhũng.

Tổng thư ký Liên minh Ngân hàng Arập, ông Wissam Fattouh, ngày 3/8 cho biết, các ngân hàng từ 4 quốc gia Arập đang quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng đang gặp khó khăn của Liban, quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài ba năm qua.

 

Ông Fattouh đưa ra thông tin trên khi trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị ngân hàng khu vực Arập diễn ra tại thủ đô Beirut của Liban. Ông Fattouh nói thêm: "Trong các chuyến thăm tới các nước Arập và làm việc với giới lãnh đạo ngân hàng tại đó, chúng tôi đã thảo luận về khả năng sở hữu một số ngân hàng Liban mà nước này có ý định bán".

Ông Fattouh không nêu tên các ngân hàng thuộc những quốc gia cụ thể nào quan tâm đến việc đầu tư vào ngành ngân hàng Liban. Tuy nhiên, vào tháng trước ông nói với kênh truyền hình Al-Hadath của Saudi Arabia rằng các ngân hàng của Jordan và Iraq muốn mua các ngân hàng nhỏ của Liban.

Bộ trưởng Kinh tế thuộc chính phủ lâm thời Liban, ông Amin Salam cũng như các quan chức ngân hàng khu vực và Liban đã kêu gọi các đối tác Arập đầu tư vào Liban nhằm giúp khôi phục nền kinh tế đang ngày càng kiệt quệ.

Liban đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này, với tỷ lệ nghèo đói và lạm phát ngày càng gia tăng. Tính đến năm 2022, có khoảng 61 ngân hàng hoạt động tại Liban, trong đó có 46 ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng trong số này đã thu hẹp quy mô do khủng hoảng kinh tế-tài chính tại Liban.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá khủng hoảng tài chính tại Liban là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên toàn thế giới kể từ giữa thế kỷ 19, chủ yếu do quản lý tài chính yếu kém và nạn tham nhũng. Hồi cuối năm 2019, tình trạng thiếu hụt đồng USD ở Liban đã gây ra sự hoảng loạn trong dân chúng khi các ngân hàng áp đặt giới hạn rút tiền nghiêm ngặt đối với người gửi tiết kiệm.

Theo một kế hoạch được giới chuyên gia tài chính và WB mô tả là "Kế hoạch Ponzi", Ngân hàng trung ương Liban (LCB) đã mời chào các ngân hàng thương mại cho vay đồng USD với lãi suất cao để LCB luôn có sẵn tiền mặt bằng USD. Các ngân hàng thương mại sau đó đã thu hút khách hàng gửi tiền tiết kiệm vào tài khoản của họ với lãi suất cao.

Kể từ đó, Liban tiếp tục theo đuổi một nền kinh tế tiền mặt. Đồng bảng của Liban đã mất khoảng 90% giá trị so với đồng USD. Người gửi tiền không thể rút được tiết kiệm bằng đồng USD tại các ngân hàng hoặc buộc phải chấp nhận rút tiền tiết kiệm bằng đồng bảng với tỷ giá thấp hơn nhiều so với tỷ giá trên thị trường chợ đen.

Hồi tháng 3/2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo Liban đang trong tình trạng rất nguy hiểm, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Liban cần đẩy nhanh việc thực hiện các điều kiện tiên quyết để được nhận gói cứu trợ 3 tỷ USD từ định chế tài chính quốc tế đa phương này. IMF và Liban đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về gói cứu trợ này vào tháng 4/2022, nhưng đến nay quốc gia Trung Đông này vẫn chưa thể thực hiện các cải cách cần thiết theo yêu cầu của IMF./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục