Các ngân hàng dần thu hẹp khoảng cách lợi nhuận

09:31' - 05/02/2022
BNEWS Nếu như vào thời điểm này 2 năm trước, lợi nhuận của ngân hàng đứng đầu toàn ngành xấp xỉ bằng tổng lợi nhuận của hai ngân hàng kế tiếp cộng lại thì nay, khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể. 
Và từ đó, thứ hạng lợi nhuận của các ngân hàng cũng đã có sự xáo trộn.
Rút ngắn khoảng cách
Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã có một năm kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng, thậm chí có 2 ngân hàng còn vượt mốc 1 tỷ USD.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa trở thành ngân hàng thứ 2 đạt lợi nhuận tỷ USD sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Với lợi nhuận trước thuế đạt gần 23.240 tỷ đồng (tức khoảng 1 tỷ USD), tăng 47% so với năm trước, Techcombank đã vượt Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) để soán ngôi á quân lợi nhuận toàn ngành.
Nhớ lại kết quả kinh doanh năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đứng đầu toàn ngành là Vietcombank khi ấy còn cách biệt hoàn toàn với 2 ngân hàng đứng sau là Techcombank và VietinBank. Với 23.122 tỷ đồng tại thời điểm đó, lợi nhuận của Vietcombank gần bằng tổng lợi nhuận Techcombank (12.838 tỷ đồng) và VietinBank (11.780 tỷ đồng) cộng lại.
Nhưng đến nay, khoảng cách này đã được thu hẹp. Quán quân lợi nhuận Vietcombank năm 2021 ghi nhận 27.375 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18,7% so với năm trước. Như vậy, Techcombank chỉ còn cách "anh cả" Vietcombank hơn 4.000 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner, kỷ lục lợi nhuận của ngân hàng đến từ nỗ lực thực thi mô hình kinh doanh tập trung vào chuyển đổi và đầu tư công nghệ số, góp phần thúc đẩy giá trị giao dịch ngân hàng điện tử.
 
Trong năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 1,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,6 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân năm 2021 lần lượt đạt 652 triệu giao dịch và 9,1 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 70% và gần 81% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, Techcombank cũng vừa xác lập kỷ lục mới về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong toàn ngành với mức 50,5% tính đến hết ngày 31/12/2021. Số dư CASA đạt 158.900 tỷ đồng chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm ngoái.
Còn tại VietinBank, dù vẫn nằm trong top 3 với lợi nhuận "khủng" 17.589 tỷ đồng, vượt 4,7% kế hoạch mà mà đại hội đồng cổ đông giao nhưng xét về mức tăng trưởng thì ngân hàng này lại có phần "hụt hơi" so với trung bình toàn ngành khi chỉ tăng 2,7% so với năm trước.
Riêng trong quý IV/2021, lợi nhuận của VietinBank giảm mạnh hơn 45% xuống còn 3.678 tỷ đồng trước thuế. Sự sụt giảm này là do chi phí dự phòng rủi ro tăng cao gấp 6,2 lần cùng kỳ, ngốn đến hơn 54% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng có một năm kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận đạt hơn 16.527 tỷ đồng, tăng 2 bậc so với năm ngoái lên đứng ở vị trí thứ 4, vượt qua cả Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).
MB cũng là ngân hàng có tỷ lệ CASA nằm trong top đầu trong hệ thống khi với 49%, quy mô CASA đạt gần 190.000 tỷ đồng.
Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về VPBank với 14.580 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và Agribank với 14.500 tỷ đồng.
Còn với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từng nằm trong top 5 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế năm 2019 cao nhất với 10.876 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2020, ngân hàng này đã rơi xuống vị trí thứ 8 do lợi nhuận sụt giảm còn 9.017 tỷ đồng. Đến nay, với lợi nhuận tăng gấp rưỡi so với năm 2020 và vượt 4,6% kế hoạch, đạt mức 13.601 tỷ đồng, BIDV nhích tăng lên vị trí thứ 7.
3 ngân hàng còn lại nằm trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất năm qua là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với 12.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) 8.069 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) 8.011 tỷ đồng.
Cùng với mức lợi nhuận cao, năm 2021, các ngân hàng thương mại dành nhiều nghìn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng và cộng đồng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Trong đó, BIDV giảm thu nhập hơn 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng; Vietcombank dành khoảng 7.100 tỷ đồng hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng; VietinBank cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ...; Agribank giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng.
Tăng trưởng đột biến
Tuy chỉ đứng ở vị trí thứ 5 về lợi nhuận hợp nhất trước thuế, nhưng nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ (không tính các công ty con) thì VPBank năm 2021 xác lập kỷ lục mới với lợi nhuận riêng lẻ gần 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020. Đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm có một ngân hàng vượt xa Vietcombank (26.456 tỷ đồng) về lợi nhuận riêng lẻ trước thuế.
Trong 38.000 tỷ đồng trên có tới 24.000 tỷ đồng lợi nhuận đến từ hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công ty con. Riêng ghi nhận từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam là 20.352 tỷ đồng.
Thương vụ chuyển nhượng này đã mang về cho VPBank một lượng vốn đáng kể, giúp ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu lên gần 86.500 tỷ đồng. Theo đại diện ngân hàng, lượng vốn lớn giúp VPBank củng cố năng lực tài chính, đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động và có một nền tảng vững chắc để mở rộng các cơ hội kinh doanh ở những phân khúc chiến lược trong năm 2022.
Kết thúc năm 2021, ngân hàng có mức tăng trưởng "khủng" nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) khi lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. So với 158 tỷ đồng lợi nhuận của năm 2020 thì với hơn 1.010 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế năm 2021, Kienlongbank đã tăng trưởng lợi nhuận tới 539%. Lợi nhuận này chủ yếu được đóng góp từ thu nhập lãi thuần của ngân hàng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu Kienlongbank đã giảm xuống dưới 2%, xử lý dứt điểm các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của KienlongBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, góp phần mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng trong năm qua.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi năm trước, lần lượt đạt 5.168 tỷ đồng và 844 tỷ đồng.
Bên cạnh loạt lợi nhuận khủng với mức tăng trưởng tính bằng lần vẫn còn có ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm so với năm trước.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế giảm gần 10% so với 2020, chỉ còn 1.205 tỷ đồng. Được biêt, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm là do chi phí dự phòng rủi ro tại Eximbank tăng cao gấp rưỡi năm trước, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ 9,4%.
Còn tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), do trích lập các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc, cả năm ngân hàng báo lãi trước thuế chỉ vỏn vẹn hơn 2,3 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước.
Bàn về triển vọng năm 2022, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tích cực nhưng sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% bao gồm: BIDV, MB, Techcombank, ACB, MSB...
Về lợi nhuận của cổ phiếu các ngân hàng, VCBS cho rằng sẽ không còn ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh và đồng đều như giai đoạn nửa đầu năm 2021. Đồng thời, mức định giá của cổ phiếu các ngân hàng đã cao hơn trung bình quá khứ. Do đó, giá cổ phiếu của các ngân hàng năm 2022 kỳ vọng có sự phân hóa mạnh theo tốc độ tăng trưởng và các câu chuyện riêng./.
>>>Lợi nhuận ngân hàng khả quan nhưng liệu có bền vững?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục