Các ngân hàng lớn lên kế hoạch ứng phó với Brexit

10:44' - 04/05/2017
BNEWS Bốn ngân hàng lớn trên thế giới là JP Morgan, Standard Chartered Banks. HSBC, Lloyds banking group đang lên kế hoạch ứng phó sau khi Anh rời EU.
Các ngân hàng lớn lên kế hoạch ứng phó với Brexit. Ảnh: AFP

Trong kế hoạch ứng phó với Brexit, chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Giám đốc phụ trách mảng ngân hàng đầu tư của ngân hàng JP Morgan (Mỹ), Daniel Pinto, cho biết JP Morgan dự kiến sẽ chuyển hàng trăm việc làm từ Trung tâm tài chính London sang ba địa chỉ là Dublin của Ireland, Frankfurt của Đức và Luxembourg. 

Đây là lần đầu tiên JP Morgan công bố tên của các trung tâm tài chính mà ngân hàng lựa chọn để chuyển địa điểm tới khi Anh “chia tay” EU.

Ông Pinto cho hay JP Morgan sẽ sử dụng chi nhánh hiện có của JP Morgan tại ba nước châu Âu để làm cơ sở cho hoạt động của ngân hàng tại “lục địa già”.

Theo kế hoạch, JP Morgan sẽ phải chuyển hàng trăm việc làm trong ngắn hạn để sẵn sàng cho thời điểm tiến trình đàm phán EU kết thúc, cũng như lên kế hoạch cho dài hạn.

Theo ông Pinto, JP Morgan dự kiến sẽ có các điều chỉnh trong các mảng hoạt động của ngân hàng, sau khi kết quả đàm phán Brexit giữa Anh và EU ngã ngũ.

JP Morgan hiện có 16.000 nhân viên tại Anh, trong đó khoảng 11.000 nhân viên làm việc tại Trung tâm tài chính London, 4.000 nhân viên tại Bournemouth và số còn lại tại Scotland.

Không riêng JP Morgan, một loạt ngân hàng lớn cũng cũng bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho Brexit. Hồi tuần trước, ông Richard Gnodde, Giám đốc ngân hàng Goldman Sachs tại khu vực châu Âu, cho hay ngân hàng này sẽ cần tuyển thêm nhân viên ở Madrid, Milan, Paris và các trung tâm khác tại EU.

Tân Chủ tịch Standard Chartered Banks, José Viñals, vừa thông báo kế hoạch đàm phán mở chi nhánh ở Frankfurt (Đức). Với quyết định này, Standard Chartered sẽ trở thành ngân hàng đầu tiên chọn trung tâm tài chính của nước Đức làm trụ sở EU của ngân hàng trong điều kiện Anh rời EU.

Chủ tịch Viñals cho biết hiện nay một số bộ phận của ngân hàng đã có văn phòng và một số nhân viên đóng tại Frankfurt do vậy việc mở trụ sở của ngân hàng tại EU sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động khác của ngân hàng.

Standard Chartered đang đề xuất với những người quản lý tại Frankfurt để nâng cấp vị thế của chi nhánh tại Frankfurt trở thành trụ sở khu vực EU của ngân hàng.

Quyết định trên được đưa ra sau khi nhiều ngân hàng cho rằng sau Brexit họ sẽ mất quyền được hoạt động phủ rộng khắp các thị trường trong khối EU nếu như họ không có một trụ sở khu vực đặt tại một nước thành viên của EU.

HSBC cũng cho biết có kế hoạch để chuyển khoảng 1.000 việc làm từ London sang Paris, nơi ngân hàng này đã có một chi nhánh lớn.

Trong khi đó, Lloyds Banking Group công bố kế hoạch thành lập trụ sở châu Âu của họ đặt tại Berlin. Barclays ngụ ý cho biết họ có nhiều khả năng sẽ chọn Dublin để mở trụ sở châu Âu của họ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục