Các nhà lãnh đạo G7 tìm hướng giải quyết những vấn đề cấp bách

11:14' - 26/06/2022
BNEWS Trưa 26/6 theo giờ Đức, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra trong các ngày 26-28/6 sẽ khai mạc tại lâu đài Elmau, bang Bayern, miền Nam nước Đức.

Tại hội nghị năm nay, ngoài lãnh đạo các nước G7 - gồm Đức, Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada và Mỹ, nước chủ nhà còn mời thêm lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ) và một số đối tác tham dự.

 
Từ lạm phát tăng vọt đến khủng hoảng lương thực và thiếu hụt năng lượng, cuộc xung đột ở Ukraine - hiện đã bước sang tháng thứ năm - đã khiến thế giới rơi vào một loạt cuộc khủng hoảng. Dự kiến, tác động của xung đột Nga-Ukraine lên nền kinh tế toàn cầu sẽ là tâm điểm của phiên khai mạc G7.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng sẽ phải đối mặt với mối đe dọa đang "rình rập" của suy thoái kinh tế hậu COVID-19 cũng như áp lực về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Thủ tướng nước chủ nhà Olaf Scholz khẳng định Hội nghị có thể đưa ra những quyết định quan trọng, nếu các nước phối hợp hành động với quyết tâm cao.

* Các nội dung thảo luận chủ chốt

Chiều tối 25/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Bayern, trong khi các nhà lãnh đạo EU và những nước G7 còn lại tới Đức trong ngày 26/6. Các khách mời đến từ châu Á và châu Phi sẽ tới Đức trong ngày 27/6.

Theo kế hoạch, trước giờ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có cuộc thảo luận riêng với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ngoài quan hệ song phương, các chủ đề tại hội nghị thượng đỉnh G7 và hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra sau đó ở Tây Ban Nha cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp.

Chủ đề chính trong ngày đầu tiên của hội nghị G7 là tình hình kinh tế thế giới, bảo vệ khí hậu cũng như chính sách đối ngoại và an ninh, trong đó có các biện pháp trừng phạt Nga liên quan cuộc chiến ở Ukraine. Sang ngày thứ hai, chủ đề nổi bật sẽ là cuộc chiến ở Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sẽ tham dự hội nghị bằng hình thức trực tuyến.

Sau đó, Thủ tướng Scholz sẽ tiếp đón lãnh đạo khách mời đến từ 5 quốc gia là Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Senegal và Argentina. Theo Thủ tướng Scholz, G7 là sự liên kết các nền dân chủ mạnh nhất về kinh tế trên thế giới và lý do cho việc mời lãnh đạo 5 nước ngoài G7 tham dự là do "các nền dân chủ tương lai là ở châu Á và châu Phi".

Một chủ đề khác trong ngày làm việc thứ hai được cho là cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine cũng như vấn đề bảo vệ khí hậu. Thủ tướng Scholz kỳ vọng đạt được tiến bộ liên quan tới đề xuất hình thành một câu lạc bộ khí hậu cho tất cả những quốc gia đặt mục tiêu trung hòa về khí hậu vào giữa thế kỷ này.

Trong ngày thứ ba và là ngày cuối cùng của hội nghị, G7 sẽ ra một tuyên bố chung kết thúc hội nghị sau khi thảo luận về trật tự thế giới sau cuộc xung đột ở Ukraine và vấn đề số hóa.

* Hướng tới các biện pháp trừng phạt NgaMột trong những chủ đề chính được truyền thông chú ý tại hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là các biện pháp trừng phạt áp lên Nga liên quan đến tình hình tại Ukraine.

Truyền thông Đức dẫn một nguồn tin từ Chính phủ nước này cho biết, lãnh đạo G7 đang có các cuộc thảo luận "rất xây dựng" về việc đặt ra mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga.

Không lâu trước khi chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Elmau, nước chủ nhà Đức cho rằng cuộc thảo luận về giá trần đối với dầu mỏ của Nga đang diễn ra tốt đẹp. Nguồn tin trên cũng cho hay G7 đang hướng tới khả năng đạt được thỏa thuận này.

Cũng theo nguồn tin, mục đích đặt ra mức giá trần như vậy là để Nga không còn được hưởng lợi từ việc tăng giá trên thị trường năng lượng và dẫn tới không thể tiếp tục chi tiền cho cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, biện pháp này cũng có thể ngăn chặn giá dầu tăng vọt.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang có hiệu lực đối với Nga, nhưng điều này không tự động dẫn tới sự giảm doanh thu của Nga. Trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga đã dẫn tới những phản ứng phụ không mong muốn là đẩy giá năng lượng lên cao - điều cũng giúp Nga kiếm được nhiều tiền hơn từ việc xuất khẩu dù khối lượng xuất khẩu giảm đi. Không chỉ ở EU, mà cả ở Mỹ, giá nhiên liệu ở mức cao hiện đang là một vấn đề lớn.

Bên cạnh ngành dầu mỏ, G7 cũng muốn nhắm tới các ngành khác của Nga. Một nguồn thạo tin cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác sẽ nhất trí cấm nhập khẩu vàng mới từ Nga, trong nỗ lực mở rộng các biện pháp trừng phạt nước này vì cuộc chiến tại Ukraine.

Nguồn tin này cho biết, trong ngày 29/6, Bộ Tài chính Mỹ sẽ đưa ra quyết nghị về việc cấm nhập khẩu vàng mới từ Nga vào Mỹ. Động thái này được cho là nhằm tiếp tục cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu bằng cách ngăn chặn Moskva tham gia thị trường vàng.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đến thời điểm này vẫn chưa nhằm trực tiếp vào vàng thương mại. Nhưng nhiều ngân hàng, hãng vận tải và cơ sở lọc dầu đã dừng giao dịch bằng vàng của Nga kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bùng phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục