Các nước đang phát triển loay hoay với quy định về thuế

12:30' - 15/03/2024
BNEWS Các điều khoản trong những hiệp định thương mại quốc tế thường buộc các chính phủ phải đưa ra những chính sách có thể có ảnh hưởng kinh tế lớn.
Các nước đang phát triển đang phải đưa ra lựa chọn giữa hai quy định về thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất và do Liên hợp quốc (LHQ) đề xuất. Trong bài viết đăng trên trang Project Syndicate, Giáo sư kinh tế Jayati Ghosh, của Đại học  Massachusetts Amherst, cho rằng đề xuất của LHQ là giải pháp tốt hơn vì dễ quản lý hơn và quan trọng hơn là sẽ cho phép các quốc gia tạo ra nhiều doanh thu hơn.

Các điều khoản trong những hiệp định thương mại quốc tế thường buộc các chính phủ phải đưa ra những chính sách có thể có ảnh hưởng kinh tế lớn, đặc biệt là với các nước có thu nhập thấp và trung bình, vốn từ lâu đã phải gánh chịu những hiệp định thiếu công bằng.

 
Theo bà Ghosh, các hiệp định thuế song phương có xu hướng có lợi hơn cho các công ty đa quốc gia và chuyển nguồn lực từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Ví dụ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của OECD được xây dựng nhằm đảm bảo các tập đoàn đa quốc gia có thể bị đánh thuế ở các quốc gia nơi họ hoạt động (trái ngược với việc chuyển lợi nhuận sang các khu vực có mức thuế thấp). Tuy nhiên, sau gần 8 năm đàm phán, hiệp định này chỉ mang lại kết quả khiêm tốn: mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%, thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia.

Theo tổ chức liên chính phủ của các quốc gia đang phát triển, South Centre, các nền kinh tế đang phát triển sẽ thu được rất ít lợi ích từ mức thuế tối thiểu toàn cầu, vốn sẽ mang lại lợi ích chủ yếu cho các "thiên đường thuế".

Hiện nay, các nước đang phát triển phải ra quyết định giữa hai phiên bản khác nhau của Quy tắc quyền đánh thuế của nước nguồn (STTR), một quy định sẽ được bổ sung vào các hiệp ước thuế hiện hành để chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận. Phiên bản đầu tiên là từ OECD và phiên bản thứ hai của LHQ.

STTR là một phương thức rõ ràng để loại bỏ tình trạng không đánh thuế kép đối với một số khoản thanh toán nội bộ nhất định, bao gồm tiền lãi, tiền bản quyền và phí dịch vụ. Việc đưa STTR vào tất cả các hiệp định sẽ cho phép quốc gia xuất xứ đánh thuế người nhận thu nhập đó nếu quốc gia khác không đánh thuế thu nhập ở mức tối thiểu đã thỏa thuận. Đây là một giải pháp đơn giản, song về chi tiết, đề xuất của OECD rất phức tạp và hạn chế, chỉ áp dụng cho các loại thu nhập cụ thể và các khoản thanh toán giữa các pháp nhân có liên quan, điều này có thể loại trừ nhiều hình thức dịch vụ trong một thế giới ngày càng tự động hóa.

Ngược lại, mô hình STTR của LHQ trao quyền đánh thuế rộng hơn đáng kể cho các quốc gia nguồn vì nó bao gồm tất cả các hình thức thu nhập bất kể khoản tiền đó được trả cho một thực thể có liên quan hay không liên quan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục