Các quỹ đầu tư quốc gia thừa nhận vai trò của đánh giá rủi ro về khí hậu

07:46' - 11/08/2021
BNEWS Theo khảo sát của Reuters, các khoản đầu tư chứng khoán của một số quỹ đầu tư quốc gia thừa nhận tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro về khí hậu.

Theo các số liệu đầu tư về năng lượng, một phân tích về các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của các khoản đầu tư chứng khoán của một số quỹ đầu tư quốc gia (SWF) cùng với một khảo sát các quỹ, tiến triển của các SWF lớn nhất thế giới trong việc đưa các yếu tố ESG vào các kế hoạch đầu tư vẫn chưa đồng đều. 

Các SWF nắm giữ tổng giá trị tài sản 8.000 tỷ USD. Theo số liệu của Diễn đàn SWF Quốc tế, các quỹ này đã đầu tư 7,2 tỷ USD vào năng lượng tái tạo kể từ năm 2015, chưa bằng 1/3 số tiền đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt.

Các quỹ của Australia và New Zealand có thứ hạng cao trong phân tích về ESG đối với các khoản đầu tư lớn vào các doanh nghiệp.

New Zealand cũng cho biết dự kiến sẽ giảm cường độ phát thải trong danh mục đầu tư chung 40% vào năm 2025.

Các quỹ ở Trung Đông đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn nhằm khử carbon trong danh mục đầu tư, do sự phụ thuộc lâu nay của các nền kinh tế vào nhiên liệu hóa thạch.

Các quỹ này không công bố các mục tiêu về khí hậu, dù hầu hết dự kiến sẽ tập trung hơn vào các yếu tố ESG.

Khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy sự khác biệt trong các cách tiếp cận chung của các quỹ đối với những doanh nghiệp có xếp hạng ESG thấp.

Quỹ của Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) và quỹ GIC của Singaporeưu tiên thúc đẩy những thay đổi bên trong, trong khi các quỹ của Australia và New Zealand cũng như Na Uy có sự chuẩn bị kỹ lượng hơn để thay đổi các tiếp cận với việc bỏ các cổ phiếu.

Việc thất bại hoặc đi sau trong việc điều chỉnh các danh mục đầu tư có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động dài hạn của các SWF vốn được thành lập nhằm bảo vệ tài sản cho các thế hệ tương lai và bảo đảm cho nguồn thu của nhà nước.

Các chuyên gia cho rằng, do các quỹ nhằm trong nhóm nhà đầu tư lớn nhất thế giới, cách tiếp cận về ESG có thể ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp có thể chuyển hướng hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững nhanh đến đâu.

Một số quỹ đã ký vào Sáng kiến Một hành tinh, một nỗ lực nhằm đưa rủi ro về khí hậu vào việc quản lý vốn.

Trong khi đó, hơn 30 quỹ cũng nhất trí với Nguyên tắc Santiago nhằm tăng cường quản trị, kiểm toán và tính minh bạch.

Việc so sánh sự tiến triển của các quỹ về khía cạnh ESG có thể là khó khăn, do sự khác biệt về lịch sử, địa lý và quy mô.

Nhiều quỹ đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, bất động sản và chứng khoán tư, những lĩnh vực có thể phức tạp hơn khi đánh giá, trong khi một số công khai hơn về các khoản đầu tư của họ.

Một đánh giá sơ bộ về 25 cổ phiếu hàng đầu mà các quỹ công khai về mức độ đầu tư cho thấy Future Fund trị giá 166 tỷ USD của Australia có danh mục đầu tư xếp hạng cao nhất về số điểm ESG theo tính toán dựa trên số liệu của ba công ty xếp hạng hàng đầu là MSCI, Sustainalytics và Refinitiv.

Các vị trí tiếp theo thuộc về NZ Super Fund trị giá 41 tỷ USD của New Zealand, và Norges Bank Investment Management trị giá 1,3 tỷ USD của Na Uy.

Theo khảo sát của Reuters, các SWF thừa nhận tầm quan trọng của việc đánh giá rủi ro về khí hậu.

NZ Super Fund đã hối thúc các doanh nghiệp mà quỹ đầu tư công bố số liệu phi tài chính như lượng khí thải hay mức tiêu thụ nước.

Quỹ Abu Dhabi Investment Authority với 649 tỷ USD của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết đã đưa rủi ro về biến đổi khí hậu vào kế hoạch đầu tư, cũng như Future Fund.

Temasek Holdings của Singapore trị giá 417 tỷ USD đã đánh giá về hồ sơ khí thải của các doanh nghiệp mục tiêu, trong khi HKMA với 581 tỷ USD đang nghiên cứu các mục tiêu nhằm hỗ trợ việc quản lý rủi ro về khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục