Các thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu phát triển kinh tế ban đêm

21:21' - 16/11/2022
BNEWS Mô hình phát triển kinh tế ban đêm là vấn đề đang trở thành xu thế toàn cầu mà nhiều quốc gia theo đuổi và được xem như "một liều thuốc" thúc đẩy cho kích cầu tiêu dùng.

Chiều 16/11, Sở Công Thương Tp Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ V - năm 2022, với chủ đề nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở các địa phương.

 

Tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mô hình phát triển kinh tế ban đêm là vấn đề đang trở thành xu thế toàn cầu mà nhiều quốc gia theo đuổi và được xem như "một liều thuốc" thúc đẩy cho kích cầu tiêu dùng.

Là những địa phương được Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ngành cân nhắc triển khai "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam", 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã có các bước chỉ đạo và thực hiện trên địa bàn.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là một trong những thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm với hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dịch vụ về đêm đã cơ bản được hình thành đồng bộ. 

Thời gian qua, Đà Nẵng chú trọng đến việc phát triển kinh tế ban đêm với nhiều hoạt động như triển khai chương trình "Đà Nẵng về đêm - Danang by night" với nhiều hoạt động nhằm phục vụ du khách về đêm. Đồng thời, môi trường du lịch an toàn, thân thiện, nên Đà Nẵng thu hút lượng lớn du khách trong nước và nước ngoài đến tham quan nghỉ dưỡng hằng năm.

Còn bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội chia sẻ, địa phương bước đầu thành công với các chính sách hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế ban đêm không chỉ tăng về quy mô mà còn cả về chất lượng; trong đó, UBND quận Hoàn Kiếm, đã tổ chức triển khai mở rộng thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng cho 3 ngày cuối tuần đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận kết hợp cùng nhiều tuyến phố được quy hoạch kèm theo, gồm: Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Xí, Tràng Tiền...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì đại diện ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương cũng thừa nhận việc triển khai phát triển kinh tế ban đêm còn nhiều khó khăn như sản phẩm, dịch vụ ban đêm chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là dịch vụ ăn uống.

Bên cạnh đó, quy mô các dự án phục vụ kinh tế ban đêm ở các địa phương vẫn nhỏ lẻ, chưa có nhiều trung tâm thương mại quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế tham gia hoạt động xuyên đêm...

Trong khi đó, cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm vẫn còn một số tồn tại bất cập như chưa đủ thông thoáng trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế ban đêm, thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn dẫn đến hạn chế trải nghiệm của người dân và du khách...

Riêng về quản lý nhà nước cũng chưa có một cơ quan hay bộ phận nào chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, dù đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Chính vì vậy, đại diện ngành công thương các thành phố cho rằng, cần có những giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm cho những địa phương có tiềm năng phát triển mô hình kinh tế này; trong đó, chính quyền địa phương đồng hành cùng ngành công thương rà soát lại toàn bộ hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế ban đêm để xác định cụ thể loại hình chính phục vụ và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư, chủ nhà…

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Tp. Hồ Chí Minh, để phát triển kinh tế ban đêm nên tập trung kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tham gia một số mô hình gắn kết thương mại dịch vụ với tham quan du lịch, triển khai điểm kinh doanh lưu động trên tuyến phố, tổ chức sự kiện hội chợ triển lãm, các loại  hình dịch vụ như ca múa nhạc, vẽ tranh, chụp hình nghệ thuật… để thu hút khách du lịch trong và và ngoài nước đi tham quan mua sắm ban đêm. Song song đó, chính quyền địa phương có cơ chế chính sách hỗ trợ về phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, chỉnh trang đô thị, tuyến phố, thay đổi ngành nghề kinh doanh.

Ở góc độ Bộ ngành, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao chủ đề của hội nghị năm nay, đồng thời nhấn mạnh nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở các địa phương không chỉ là vấn đề riêng của nhiều tỉnh, thành mà của Bộ, ngành và cả nước.

Kinh tế ban đêm là mô hình kinh tế đã có sự hiện diện ở nhiều quốc gia và những thành phố lớn trên thế giới, còn tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng kinh tế ban đêm cũng phát triển ở nhiều địa phương.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, kinh tế ban đêm phát triển sẽ giúp tối đa hóa lợi ích thông qua sử dụng nguồn lực có sẵn nhưng không được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày.

Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, khuyến khích tiêu dùng nội định và hình thành động lực phát triển mới cho nhiều địa phương, đóng góp vào kinh tế - xã hội đất nước.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2022, phê duyệt "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam" với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới...

Đề án này được xem là khung chính sách để cơ quan, tổ chức ở các cấp, ngành, địa phương triển khai nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu về phát triển kinh tế ban đêm trong ngành nghề, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn cả nước trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục