Các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ tiếp tục giảm điểm

10:20' - 05/09/2018
BNEWS Các thị trường chứng khoán tại châu Âu và Mỹ tiếp tục giảm điểm trong bối cảnh những quan ngại xung quanh các cuộc chiến thương mại đang khiến các nhà đầu tư do dự.
Giới đầu tư do dự khiến các sàn chứng khoán thế giới liên tục giảm điểm. Ảnh: AFP/TTXVN

Các thị trường chứng khoán tại châu Âu và Mỹ tiếp tục giảm điểm trong bối cảnh những quan ngại xung quanh các cuộc chiến thương mại đang khiến các nhà đầu tư do dự bất chấp việc Tập đoàn Amazon vừa trở thành công ty thứ 2 trên thế giới cán mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD.

Trong phiên giao dịch ngày 4/9, các thị trường chứng khoán châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất với chỉ số CAC 40 ở Paris (Pháp) giảm tới 1,3% giá trị, chốt phiên ở mức 5.342,70 điểm, chỉ số DAX 30 ở Frankfurt (Đức) giảm 1,1%, chốt phiên ở mức 12.210,21 điểm, chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50, giảm 1,1% giá trị chốt phiên 3.359,36 điểm.

Trong khi, chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Anh) cũng giảm 0,6% chốt phiên ở mức 7.457,86 điểm.

Chứng khoán Mỹ cũng giảm nhẹ với chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều giảm 0,2% chốt phiên lần lượt ở mức 2.896,72 điểm và 8.091,25 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng giảm 0,1% xuống mức 25.952,48 điểm.

Mức giảm nhẹ này có được là nhờ thông tin “người khổng lồ” ngành bán lẻ Amazon đã gia nhập "câu lạc bộ nghìn tỷ USD" của Mỹ. Cổ phiếu của Amazon đã có lúc đạt mức 2.050,5 USD/cổ phiếu, trước khi hạ xuống khép phiên ở mức 2.039,51 USD/cổ phiếu và tăng 1,3% so với phiên trước đó.

Trong khi đó, mở đầu phiên giao dịch sáng 5/9, thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng giảm điểm so với giá trị chốt phiên ngày 4/9. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,25% và chỉ số Topix giảm 0,36%.

Chứng khoán thế giới giảm điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại về những diễn biến mới nhất trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Canada sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa gạt Canada ra khỏi Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và theo đuổi thỏa thuận riêng với Mexico.

Dự kiến trong ngày 5/9, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada liên quan đến NAFTA sẽ được nối lại tại thủ đô Washington.

Các nhà phân tích cũng đang theo dõi chặt chẽ tình hình quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh những đồn đoán rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tiến hành áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc sớm nhất trong tuần này.

Ngoài ra, tình hình kinh tế tại nhiều nước cũng không khả quan. Đồng Peso của Argentina liên tục "lao dốc" buộc chính quyền Buenos Aires phải đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để vay một khoản tín dụng trị giá 50 tỷ USD.

Trong khi đó, tình hình kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến các thị trường tiền tệ lo ngại nguy cơ khủng hoảng lan rộng.

Nhà chiến lược cấp cao về thị trường hối đoái tại Ngân hàng trung ương Australia, Rodrigo Catril nhận định: "Hiện nay, hầu hết các lo ngại của các thị trường mới nổi có thể là do các vấn đề riêng của quốc gia.

Tuy nhiên, vì Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ duy trì kế hoạch siết chặt (lãi suất) dần dần và việc Tổng thống Trump dường như kiên quyết theo đuổi chính sách thương mại cứng rắn, nguy cơ bị ảnh hưởng xấu của các thị trường mới nổi vẫn còn và khó dự đoán"./.

Xem thêm:

>>Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm sau căng thẳng giữa Mỹ và Canada

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục