Các thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh phiên 16/3 bất chấp động thái của Fed

16:50' - 16/03/2020
BNEWS Chốt phiên 16/3, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 3,4%, hay 98,18 điểm, xuống 2.789,25 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 4,03%, hay 969,34 điểm, xuống 23.063,57 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á phiên 16/3 giảm mạnh. Ảnh minh họa: TTXVN
Các thị trường chứng khoán châu Á biến động mạnh trong phiên 16/3, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất khẩn cấp và các ngân hàng trung ương lớn khác bơm hàng tỷ USD với lãi suất thấp nhằm giảm căng thẳng trên các thị trường tín dụng toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản chốt phiên giảm, khi các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhằm ổn định các thị trường tài chính đang chịu tác động của dịch bệnh đã không thuyết phục được các nhà đầu tư. Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,46%, hay 429,01 điểm, xuống 17.002,04 điểm.

Các thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, khi các nhà đầu tư bán ra do lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu và tác động đến kinh tế thế giới. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 3,4%, hay 98,18 điểm, xuống 2.789,25 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 4,03%, hay 969,34 điểm, xuống 23.063,57 điểm. Các thị trường tại Trung Quốc mất điểm, dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, nhằm giải phóng lượng thanh khoản khoảng 550 tỷ nhân dân tệ (78,5 tỷ USD) vào thị trường.

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục giảm phiên thứ tư liên tiếp, khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động kinh tế lớn hơn dự kiến do dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu. Chỉ số Kospi giảm 3,19%, hay 56,58 điểm, xuống 1.714,86 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 6/10/2011.

Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia chốt phiên để mất 9,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ đợt lao dốc vào năm 1987.

Sau khi Fed ngày 15/3 hạ lãi suất 100 điểm cơ bản xuống biên độ 0-0,25% và cam kết mở rộng bản cân đối kế toán ít nhất là 700 tỷ USD trong những tuần tới, BoJ ngày 16/3 đã tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ với cam kết tăng gấp đôi khối lượng chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục mua vào mỗi năm lên mức 12.000 tỷ yen (tương đương 112,46 tỷ USD) và khối lượng chứng chỉ quỹ tín thác đầu tư bất động sản lên 180 tỷ yen/năm (tương đương 1,69 tỷ USD).

Ngân hàng Trung ương New Zealand cũng gây bất ngờ với quyết định hạ lãi suất 75 điểm cơ bản, xuống 0,25%, trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia, ngân hàng trung ương, bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính đang căng thẳng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ có cuộc họp trực tuyến vào lúc 21 giờ (theo giờ Việt Nam) để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay.

Theo nhà kinh tế trưởng Nathan Sheets của PGIM Fixed Income, quy mô và phạm vi các biện pháp mà các ngân hàng trung ương thực hiện là bất thường. Ông nhấn mạnh các nhà đầu tư muốn thấy Mỹ tăng cường kích thích nhiều hơn nữa và bằng chứng về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phản ứng mạnh và hiệu quả trước những mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng do dịch bệnh.

Những biện pháp mạnh được thực hiện nhằm hạn chế tác động về kinh tế khi dịch lây lan khiến ngày càng nhiều nước đóng cửa, dù biện pháp này không mấy hiệu quả trong việc trấn an các nhà đầu tư đang hoảng loạn.

Trong khi đó, số liệu mà Trung Quốc công bố cũng cho thấy mức độ thiệt hại mà dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với hoạt động kinh tế giảm sút chưa từng có. Sản lượng công nghiệp của nước này giảm 13,5% và doanh số bán lẻ giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm 2020.

Tại thị trường trong nước, chỉ số VN - Index đóng cửa phiên này giảm 13,92 điểm, xuống 747,86 điểm. Toàn sàn có mã 239 giảm giá, trong khi chỉ có 133 mã tăng giá và 45 mã đứng giá.

HNX - Index cũng giảm tới 1,46 điểm, xuống 99,62 điểm. Toàn sàn có 74 mã giảm giá, trong khi cũng chỉ có 73 mã tăng giá và 47 mã đứng giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục