Một tuần "đáng quên" của chứng khoán thế giới

13:08' - 14/03/2020
BNEWS Chứng khoán Âu Mỹ có một tuần “đáng quên” sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cùng ngày đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức, ngày 2/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Chứng khoán Âu Mỹ đã đồng loạt phục hồi trong phiên 13/3, kết thúc một tuần “đáng quên” của các thị trường sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cùng ngày đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trên Phố Wall, phiên này Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1.985 điểm (9,36%) lên 23.185,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 230,38 điểm (9,29%) lên khép phiên ở mức  2.711,02 điểm và Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 67,07 điểm (9,35%) lên 7.874,88 điểm.

Song khi tính chung trên cả tuần, chỉ số Dow Jones đã để mất tới 10,4%. Chỉ số S&P 500 lùi 8,8% trong khi chỉ số Nasdaq giảm 8,2%.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng cao hơn khi nhà đầu tư tìm cách xóa đi khoản lỗ lớn từ phiên ngày thứ Năm. Các thị trường London, Frankfurt và Paris đều có lúc tăng hơn 7% trong phiên 13/3.

Nhưng khi khép lại phiên này, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London chỉ tăng 2,5% lên 5.366,11 điểm. Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tiến 0,8% lên 9.232,08 điểm, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) ghi thêm 1,8% lên 4.118,36 điểm.

Còn tại Milan (Italy), Chỉ số FTSE MIB kết thúc phiên với mức tăng 7,1% lên 15.954,29 điểm, dù có thời điểm chỉ số trên đã tăng tới 17%. Chỉ số EURO STOXX khép phiên ở mức 2.571,07 điểm, tăng 1% so với phiên trước đó.

Dù kết thúc tuần trong sắc xanh, chứng khoán châu Âu vẫn mất điểm khá sâu trong cả tuần này. Tính chung, chứng khoán London đã giảm tới 17%, chứng khoán Frankfurt và Paris đều lùi 20%, trong khi chứng khoán Milan để mất tới 23%.

Thông tin về tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Mỹ đã hỗ trợ cho các thị trường chứng khoán đảo ngược một phần sự sụt giảm mạnh ghi nhận hồi phiên ngày 12/3. Với tuyên bố mới nhất của mình, ông Trump đã tạo điều kiện cho chính quyền liên bang chi tới 50 tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, ông Michael Arone, chiến lược gia đầu tư tại công ty tư vấn State Street Global Advisors cho biết còn quá sớm để báo hiệu tình hình đã trở nên rõ ràng. Song chính phủ đang thực hiện những bước đi đúng hướng. Ông cũng nói rằng thị trường trước đó đã tỏ ra thất vọng với những phản ứng ban đầu đối với dịch COVID-19 của các chính phủ.

Chứng khoán toàn cầu đã có một tuần lao dốc mạnh mẽ, khi những thông tin về tác động tiềm tàng của dịch COVID-19 lên kinh tế toàn cầu đã khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi các kênh nhiều rủi ro như chứng khoán.

Ngay phiên đầu tuần 9/3, cơ chế "tự động ngừng hoạt động" đã được kích hoạt khiến các giao dịch tại Phố Wall đã phải tạm dừng trong 15 phút vì chỉ số S&P 500 giảm 7% ngay sau khi mở cửa. Kết thúc phiên này, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều để mất hơn 7%. Đáng chú ý là chỉ số Dow Jones đã để mất 7,79% - mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/10/2008, khi thị trường biến động do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sau khi phục hồi khoảng 5% trong ngày 10/4, Phố Wall lại phải chứng kiến hoạt động bán tháo diễn ra trong phiên 11/3 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Chỉ số Dow Jones mất 5,86%, đánh dấu phiên giảm lớn thứ hai trong lịch sử. Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều để mất gần 5%, xóa đi sự phục hồi đạt được trong phiên trước đó.

Đỉnh điểm của sự suy giảm trong tuần này là phiên 12/3, khi các thị trường chứng khoán tại Mỹ lẫn châu Âu đều tuột dốc do các biện pháp khẩn cấp mà các ngân hàng trung ương thực hiện đã không xoa dịu được lo ngại về những thiệt hại kinh tế gia tăng do dịch COVID-19 .

Tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones chốt phiên mất 10% trong một phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Chỉ số S&P giảm 9,5% còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,4%.

Về phía châu Âu, thị trường chứng khoán London lao dốc tới 10,9%, ghi dấu phiên mất điểm mạnh nhất kể từ năm 1987. Thị trường Frankfurt chứng kiến ngày đen tối nhất kể từ năm 1989, khi Bức tường Berlin sụp đổ, với mức giảm hơn 12%. Thị trường chứng khoán Paris và Milan cũng mất điểm chưa từng có với mức giảm lần lượt là 12,3% và 16,9%.

Theo các chuyên gia từ chuyên trang tài chính FXEmpire, dù các thị trường đã phục hồi nhất định trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng xu hướng này không chắc chắn sẽ kéo dài trong tuần tới. Nếu các chính phủ trên toàn thế giới đưa ra chính sách nào vào cuối tuần này để giúp làm dịu thị trường, thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể lạc quan hơn vào tuần giao dịch tới đây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục