Các thị trường thay đổi cơ chế nhập khẩu gạo: Cơ hội nào cho Việt Nam?

16:55' - 08/10/2018
BNEWS Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để thích ứng với xu thế tự do hoá thương mại hoàn toàn.
Trong Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Thay vì để các cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện nhập khẩu gạo, nhiều thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam đang chuyển dần sang giao cho doanh nghiệp tư nhân đấu thầu hạn ngạch hoặc tự do hóa hoàn toàn thương mại gạo.

Điều này được các chuyên gia nhận định sẽ trực tiếp tác động đến tình hình xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới, nhất là ở các doanh nghiệp.

Xu hướng tự do hoá hoàn toàn

Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) vừa thông báo mời thầu cung cấp 250.000 tấn gạo trắng hạt dài 25% tấm vào ngày 18/10 tới đây.

Khối lượng gạo mời thầu đợt này nằm trong tổng số 750.000 tấn gạo đã được cơ quan này phê chuẩn để nhập khẩu trong năm nay.

Theo đó, đợt mở thầu này được tổ chức theo hình thức đấu thầu mở quốc tế (G2P) cho tất cả các nhà cung cấp các nước tham gia, nghĩa là cả doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước đều được chấp nhận tham dự.

Vào đầu tháng 9 mới đây, Philippines chấp thuận cho phép tư nhân nhập khẩu 133.500 tấn theo chương trình MAV (số lượng tiếp cận tối thiểu) trong niên vụ 2017-2018. Vào tháng 5/2018, NFA cũng đã mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo theo hình thức G2P…

Lâu nay, Philippines là thị trường nhập khẩu gạo truyền thống, có thể nhập khẩu lên đến 1,5-2 triệu tấn/năm, chủ yếu theo hình thức cấp Chính phủ (G2G).

Thế nhưng, nhìn vào diễn biến nhập khẩu gạo của Philippines trong 2 năm gần đây, đặc biệt là năm 2018, có thể thấy rõ xu hướng này đã có sự thay đổi đáng kể. Nước này đang dần chuyển dịch cơ chế cho phép tư nhân tham gia nhập khẩu gạo.

Xu hướng này còn thể hiện đậm nét hơn khi Chính phủ Philippines cho phép một doanh nghiệp tư nhân (AgriNurture Inc) tham gia vào việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tập đoàn này và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) – một trong doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm đưa Vinafood 2 trở thành nhà cung cấp ổn định với sản lượng 2 triệu tấn gạo/năm.

Không chỉ riêng Philippines, nhiều thị trường nhập khẩu gạo chính đã và đang thay đổi cơ chế điều hành, nhằm hạn chế sự độc quyền cũng như sự tham nhũng trong vấn đề nhập khẩu gạo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong số các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam, hiện chỉ có Cuba là nhập khẩu theo hình thức G2G, còn lại các thị trường như Philippines, Indonesia, Malaysia, Iraq… đều cho phép tư nhân tham gia vào nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Điều này cho thấy xu hướng chủ đạo trong xuất nhập khẩu gạo hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt, giảm sự độc quyền ở các cơ quan phụ trách lương thực quốc gia.

Indonesia cũng là một ví dụ điển hình. Ngay đầu năm 2018, nước này đột ngột thông báo mở thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo sau vài năm im ắng và yêu cầu phải giao hàng ngay trong tháng 2/2018.

Mặc dù có nhu cầu và thời hạn giao hàng cấp bách như vậy, tuy nhiên nước này vẫn mở thầu với sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ nhiều nước khác nhau, thay vì đấu thầu theo hình thức tập trung truyền thống.

Sự chuyển hướng của các thị trường trong cơ chế nhập khẩu gạo đã được VFA nhận định và đề cập từ đầu năm 2017.

Đến nay, xu hướng này đang được bộc lộ rõ nét hơn và được dự báo sẽ tác động đến xu hướng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Thúc đẩy vai trò doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, xu hướng tự do hoá thương mại gạo trong bối cảnh hiện nay là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chính thống, làm ăn đàng hoàng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường.

Tuy nhiên, điều này cũng buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách thức điều hành, làm việc để phù hợp với những diễn biến mới của thị trường.

Trong bối cảnh đó, việc Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2018 thay thế cho Nghị định 109 trước đó được xem là một động thái kịp thời thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân trong ngành gạo phát triển.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, việc thị trường đang chuyển sang xu hướng tự do hoá trong thương mại gạo cùng với sự ra đời của Nghị định 107 sẽ giúp các doanh nghiệp năng động hơn trong việc tìm kiếm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, thay vì chờ đợi sự phân bổ của các hợp đồng tập trung như trước đây.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo đặc sản, gạo chất lượng cao sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận thị trường, nâng giá bán cũng như xây dựng thương hiệu riêng của mình.

Quan trọng hơn, xu hướng này sẽ thúc đẩy thị trường lúa gạo Việt Nam sôi động hơn nhờ sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong vấn đề xuất khẩu lúa gạo, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Tuy vậy, để minh bạch thị trường lúa gạo, hướng đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm và phụ thuộc nhiều vào vai trò của các doanh nghiệp.

Bởi lẽ, những người làm trong ngành gạo lâu năm sẽ khó có thể quên bối cảnh ra đời của Nghị định 109 trước đó. Khi đó, thị trường có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ, lẻ tham gia vào xuất khẩu gạo, tạo nên nhiều trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại… trong ngành này.

Để tránh tình trạng này có thể tái diễn, các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải biết liên kết với nhau để tạo thành sức mạnh cạnh tranh, nâng cao giá trị hạt gạo Việt trên thị trường.

Đồng thời, cùng nhau loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn gian dối, cạnh tranh nhau bằng việc hạ giá thấp hoặc những hành vi gian lận thương mại ảnh hưởng đến uy tín của ngành gạo.

Việc đoàn kết, hiểu ý nhau trong các thương vụ đấu thầu quốc tế cũng đang dần được hình thành giữa các doanh nghiệp.

Vụ đấu thầu cung cấp 250.000 tấn gạo của Philippines hồi tháng 5/2018 có thể xem là một minh chứng điển hình. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu đều kiên quyết không bỏ giá thấp hơn giá thành trong nước, dù kết quả khi đó các doanh nghiệp Việt “trắng tay” không trúng gói thầu nào.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng, trong cơ chế thị trường như hiện nay, các doanh nghiệp muốn kinh doanh xuất khẩu gạo thành công thì phải có tính chuyên nghiệp và tạo được uy tín trên thị trường thế giới.

Theo đó, chỉ những doanh nghiệp nào làm ăn đàng hoàng, bài bản mới có thể tồn tại, còn với những doanh nghiệp "ăn xổi" sẽ bị chính thị trường đào thải.

Mặt khác, các thị trường nhập khẩu hiện không chỉ thay đổi cơ chế nhập khẩu gạo mà còn bắt đầu có những yêu cầu cao về mặt chất lượng sản phẩm.

Do vậy, các doanh nghiệp phải có sự liên kết với nông dân, các hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho chính doanh nghiệp cũng như ngành gạo Việt Nam.

Để giúp các doanh nghiệp trong ngành phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế chính sách theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp được vay đủ vốn đầu tư theo quy định lãi suất của ngân hàng.

Điều này sẽ giải quyết được vấn đề hạn chế về tiềm lực tài chính đang khá phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp gạo.

Đồng thời, giúp doanh nghiệp chủ động điều tiết được thời điểm bán hàng và giá xuất khẩu, không còn tình trạng tranh mua tranh bán như vừa qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục