Các tỉnh Tây Nguyên đảm bảo chất lượng cà phê nhân xuất khẩu

16:11' - 25/12/2017
BNEWS Năm nay, do gặp thời tiết bất lợi, mưa kéo dài, làm cho diện tích cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên chín muộn hơn các năm trước.
Các tỉnh Tây Nguyên đảm bảo chất lượng cà phê nhân xuất khẩu. Ảnh minh họa: Phạm Cường-TTXVN

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên cơ bản đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích cà phê kinh doanh trong niên vụ này và đang tập trung phơi, sấy, chế biến nhằm đảm bảo chất lượng cà phê nhân xuất khẩu.

Năm nay, do gặp thời tiết bất lợi, mưa kéo dài, làm cho diện tích cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên chín muộn hơn các năm trước. Nhất là vào thời điểm thu hoạch lại gặp mưa nên việc phơi, sấy cà phê quả tươi gặp thêm nhiều khó khăn.

Các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê đã thực hiện theo hướng dẫn của các đơn vị chức năng tức là sau khi thu hoạch gặp trời nắng đưa cà phê quả tươi về phơi ngay trải đều trên các sân gạch, sân xi măng hoặc trên các tấm bạt nilon thoáng mát, không quá dày (chỉ độ 30 cm đến 40 cm).

Đồng thời, không ủ đống làm cho quả cà phê nóng, lên men, thậm chí có lúc nhân cà phê bị thâm đen. Các nông hộ cũng sử dụng bao bì, phương tiện vận chuyển cà phê quả tươi cũng sạch, không có mùi phân bón, mùi hóa chất.

Cà phê quả tươi mới thu hoạch về, gặp trời mưa kéo dài, nhiều nông hộ, doanh nghiệp chuyển sang sấy khô cà phê quả tươi để tránh nấm mốc.

Hiện nay, nhiều nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên sử dụng chủ yếu hai loại máy sấy cà phê quả tươi đó là lò sấy tĩnh, lò sấy trống. Thời gian sấy chỉ trong vòng 12 tiếng đến 16 tiếng đồng hồ/mẻ là cà phê đã khô và đạt độ ẩm khoảng 10% đến 12%. Trong khi đó dùng nguyên liệu đốt chính là vỏ cà phê khô xay hoặc than đá.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê quy mô lớn, chủ yếu sử dụng công nghệ chế biến ướt. Đây là công nghệ chế biến tiên tiến nhất hiện nay mà nhiều nước đang áp dụng trên thế giới.

Tức là cà phê quả tươi sau khi thu hoạch về được phân loại, loại bỏ quả cà phê khô, xanh, non, cành, lá, đất đá sau đó đưa vào bể rửa sạch chuyển vào máy xát tươi tách vỏ. Nhân cà phê đã tách vỏ quả, còn vỏ trấu.

Các doanh nghiệp tiếp tục đưa cà phê thóc này vào máy loại bỏ lớp nhớt bên ngoài vỏ trấu, sau đó rửa sạch, xát khô, loại bỏ vỏ trấu, đánh bóng thu về cà phê nhân thương phẩm có độ ẩm dưới 10% đến 12%, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu....

Hiện nay, tại Đắk Lắk, các doanh nghiệp đã đầu tư 16 cơ sở chế biến cà phê theo công nghệ chế biến ướt, với tổng công suất trên 64.000 tấn sản phẩm/năm.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 582.000 ha cà phê; trong đó, diện tích cho thu hoạch trên 548.000 ha, với sản lượng ước đạt trên 1,3 triệu tấn cà phê nhân. Đắk Lắk là địa phương có sản lượng cà phê nhân nhiều nhất với trên 450.000 tấn trong niên vụ này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục