Các tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ ở Thái Nguyên đã cơ bản thông xe sau mưa lũ

10:16' - 18/09/2024
BNEWS Hiện toàn bộ các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh trên địa bàn cơ bản thông xe; chỉ còn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Định Hóa bị ách tắc giao thông do sạt mặt đường, đứt đường.

Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên thông tin, sau mưa lũ, hiện nay toàn bộ các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh trên địa bàn đã cơ bản thông xe; chỉ còn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Định Hóa bị ách tắc giao thông do sạt mặt đường, đứt đường tại Km205+900.

 

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên, bão số 3 và hoàn lưu đã gây mưa lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh. Trên 4 tuyến đường quốc lộ do Sở Giao thông vận tải được ủy thác quản lý có 3 tuyến bị ảnh hưởng, gồm Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3C. Trong đó, Quốc lộ 3C bị ảnh hưởng nặng nhất với 60 vị trí sạt lở taluy âm, 2 vị trí hư hỏng rãnh thoát nước hình thang, 1 vị trí bong tróc mặt đường...

Trong số 21 tuyến đường tỉnh thì có 11 tuyến bị ảnh hưởng với kinh phí dự kiến cần để khắc phục hơn 7,8 tỷ đồng. Một số tuyến đường tỉnh hiệt hại lớn gồm: Đường tỉnh ĐT.261D có 6 vị trí sạt lở taluy âm, khối lượng đất đá sạt lở lớn tại Km2+840 – Km2+900; Km3+520 – Km3+580; Km3+680 – Km3+750; Km3+972 – Km4+042; Km4+270 – Km4+300; Km4+790 – Km4+900; đường tỉnh ĐT.264 có 3 vị trí sạt lở taluy âm, 11 vị trí sạt lở taluy dương; đường tỉnh ĐT.269C có 3 vị trí sạt lở taluy âm, 4 vị trí sạt lở taluy dương, 2 vị trí xói lở lề đường...

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: Để đảm bảo an toàn giao thông trong và sau mưa lũ, đối với các vị trí còn bị ngập nước, lực lượng chức năng tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí nguy hiểm, ngăn chặn người dân cố tình đi qua các vị trí, khu vực ngầm tràn, cầu, đoạn đường bị ngập gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.

Đối với các đoạn đường bị đứt, sạt lở…, các bên liên quan căng dây, rào chắn, cắm biển cảnh báo hai đầu đoạn tuyến bị hư hại, thu dọn, san, sửa để bảo đảm giao thông tối tiểu 1 làn đi lại an toàn; gia cố ổn định chân ta luy dương, ta luy âm bằng bao tải đất hoặc kè rọ thép đá hộc để giữ ổn định nhằm lưu thông xe an toàn. Ngành giao thông kiểm tra hiện trường, xác định các vị trí vẫn còn tiếp tục bị hư hỏng cần phải khôi phục ngay để báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để thực hiện; lập hồ sơ phương án xử lý thiệt hại các vị trí cần thiết để có cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền ban hành tình huống, lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục