Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng Tết ông Công ông Táo đúng nghi thức

06:32' - 13/01/2020
BNEWS Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo Quân sẽ về Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm của gia chủ trong một năm. Vì vậy, mỗi nhà đều làm cỗ cúng tiễn Táo Quân về Trời đúng nghi thức.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp có thể chuẩn bị tùy theo khả năng mỗi gia đình nhưng cá chép (còn sống hoặc bằng giấy) để làm phương tiện cho ông Táo lên trời thì không thể thiếu.

Theo các nhà nghiên cứu, phong tục thờ và cúng ông Công, ông Táo là tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo Quân sẽ về Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm của gia chủ trong một năm. Vì vậy, mỗi nhà đều làm cỗ cúng tiễn Táo Quân về Trời chu đáo.

*Mâm cỗ cúng đúng nghi lễ

Tùy theo khả năng từng gia đình, ngoài cá chép (còn sống hoặc bằng giấy), các gia đình có thể cúng mâm cỗ chay (trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc) hoặc mâm cỗ mặn để tiễn Táo Quân. 

Mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo được nhiều gia đình chuẩn bị bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, gà luộc hoặc 1 khổ thịt vai gáy luộc, 1 bát canh, 1 đĩa xào, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã.

Cũng cách chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo khác, gồm có: Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa; một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ sang trọng ngay ngắn; một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.

Một mâm lễ gồm: Gà trống; xôi đỏ; 3 chén rượu ba màu đỏ , trắng, vàng (màu đỏ mang lại vận khí tốt, màu trắng mang lại tài lộc, màu vàng mang lại sự bình an); 3 chén trà ba loại mùi vị khác nhau; ngũ quả đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ; bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần; vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá cho ba vị mỗi vị 99 thuyền, 99 thỏi, 99 lá.

Tuy nhiên, gia chủ không nên đốt tiền âm phủ vì Ông Công Ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên nếu đốt tiền âm phủ họ sẽ không nhận.

Trong mâm lễ phải có 3 con cá chép; 9 cây cây nến đỏ.

*Nên cúng ông Công, ông Táo ở đâu?

Theo dân gian, nơi cúng ông Táo tốt nhất là đặt trong khu bếp, khi cúng nên bật bếp lên để có hơi ấm tỏa ra. Theo quan niệm này, mâm cỗ đề huề thì cả nhà sẽ quanh năm no ấm.

Tuy nhiên, ngày nay tùy vào điều kiện mỗi gia đình để lựa chọn nơi cúng ông Công ông Táo phù hợp. Có gia đình sẽ thắp hương tại bàn thờ gia tiên hoặc lập bàn thờ Táo Quân riêng biệt.

Nếu không có ban thờ riêng Táo Quân thì các gia đình có thể làm lễ cúng Táo Quân trên một chiếc bàn riêng để ở ngoài sân, ngoài hành lang hay ở giữa phòng khách của nhà.  Trên bàn cúng nên trải vải đỏ. 

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ nghi cần thiết thì người lớn nhất trong nhà tắm rửa sạch sẽ, xúc miệng bằng rượu, trước khi làm thủ tục, thắp 9 nén hương và quỳ xuống lễ 9 lễ.

Người dân thủ đô thủ đô thả cá chép tại khu vực hồ Ngọc Khánh. Ảnh: Thành Đạt – TTXVN

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Sau khi cúng xong thì chủ nhà lại kính lễ 9 lần, lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi.

Gia chủ chờ hương cháy 1/3 là đã có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần. Hoá xong thì gói tro vào một tờ giấy màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá và tro đi thả ở sông, suối, hay hồ nước có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục