Cách làm hiệu quả phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở Thanh Hóa

08:22' - 13/12/2019
BNEWS Cho lợn nghe nhạc để ngủ tốt, nhanh lớn. Dùng thảo dược trộn với thức ăn nhằm giảm chi phí thuốc kháng sinh cho lợn.
Nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đàn lợn của gia đình anh Chiến có sức đề kháng tốt, phòng chống được dịch bệnh. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Xây ao nuôi cá kết hợp với các loại lương thực để chế biến thức ăn chăn nuôi an toàn. Đầu tư lò mổ tại nhà và cung ứng sản phẩm thịt đến tận tay người tiêu dùng.

Đó là cách làm mà gia đình anh Phạm Văn Chiến, thôn 9, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đang thực hiện nhằm giúp đàn lợn phòng, chống được bệnh dịch tả lợn châu Phi đang lây lan nhanh và khó kiểm soát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Chia sẻ về quá trình chuyển đổi từ nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp, sang chăn nuôi an toàn sinh học, anh Chiến cho biết, thời gian đầu chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc vào thị trường và thường xuyên bị thương lái ép giá nên thu nhập không cao. Sau nhiều lần thất bại, anh đúc rút được kinh nghiệm.

Đó là muốn chăn nuôi mang lại hiệu quả cao và bền vững, bản thân phải làm chủ được cả đầu ra và nguồn giống.

Bên cạnh đó, trong điều kiện vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, việc tạo được thương hiệu sẽ chiếm lĩnh được thị trường, có được chỗ đứng lâu dài.

Từ ý tưởng đó, anh Chiến chịu khó tìm tòi sách báo, tài liệu và đi tham quan học tập mô hình tại các địa phương, sau đó về thực hiện trên đàn lợn nhà mình.

Anh mạnh dạn đầu tư thêm một số máy móc như: máy trộn thức ăn, máy nghiền, máy nén viên, máy sấy... để tự chế biến thức ăn tại nhà cho đàn lợn.

Quy trình nuôi lợn bằng thảo dược đảm bảo an toàn sinh học được anh Chiến áp dụng theo công thức kết hợp trộn cám ngô, cám gạo với các loại thảo dược như: cây con khỉ, hoa kim ngân, sa tiền, sài đất, bồ công anh, đinh lăng, hành, tỏi ta, trứng...

Theo kinh nghiệm của anh đây là những loại dược liệu giúp đàn lợn tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng phát triển tốt, phòng, chống được dịch bệnh hiệu quả.

Tất cả các loại cây thảo dược được nghiền nhỏ rồi trộn đều theo tỷ lệ với cám ngô, gạo, sau đó đưa vào máy nén thành viên.

Để thức ăn không bị mốc và bảo quản được lâu dài, anh Chiến đầu tư thêm máy sấy để chủ động được nguồn thức ăn cho đàn lợn.

Để có nguồn thảo dược ổn định phục vụ cho chăn nuôi, ngoài việc thu mua từ các địa phương khác, hiện nay gia đình đã cải tạo vườn tạp, trồng trồng các loại cây thảo dược ngay trên diện tích đất nhà mình và liên kết với các gia đình trong thôn, trong xóm để thu mua.

Ngoài nguồn cám gạo, cám ngô sẵn có, anh Chiến còn thu mua thêm các loại đầu cá, tôm… ở các nhà máy về trộn cùng thức ăn để dần thay thế cám công nghiệp.

Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, từ năm 2017 đến nay, đàn lợn của gia đình anh Chiến sinh trưởng và phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Trang trại luôn duy trì ổn định khoảng 40 lợn nái và hơn 300 lợn thịt.

Thực tế đã chứng minh, từ đầu năm đến nay, trong khi người chăn nuôi điêu đứng vì dịch tả lợn châu Phi thì đàn lợn hơn 400 con của gia đình anh Chiến vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.

Hàng ngày anh vẫn xuất bán hàng chục con lợn cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho các trường mầm non trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc và các cơ sở, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Với giá lợn hơi hiện tại 75.000 đồng/kg, trừ chi phí anh Chiến thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi sau mỗi lứa lợn.

“Trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều trang trại phải tiêu hủy hàng trăm con lợn và không dám tái đàn vì rủi ro cao, thì trang trại của gia đình tôi vẫn duy trì ổn định hơn 400 con lợn. Theo dự báo thị trường thịt lợn tết Nguyên đán 2020 sẽ rất khan hiếm và giá tăng cao do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, để có nguồn hàng ổn định, hiện tại gia đình tôi vẫn đảm bảo đủ các điều kiện để tiếp tục tái đàn, phục vụ nguồn thịt lợn cho tết Nguyên đán 2020 sắp tới”, anh Chiến chia sẻ.

Chị Mai Thị Thảo, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Billgreen, thành phố Thanh Hóa cho biết, cửa hàng đã liên kết với gia đình anh Chiến 4 năm nay, các sản phẩm thịt lợn được khách hàng đánh giá thơm ngon và được tin dùng.

Quá trình phối trộn cám cùng với các loại thảo dược được a Chiến thực hiện hàng ngày. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN

Thời điểm vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, người tiêu dùng e ngại sử dụng thịt lợn, nhưng mức độ tiêu thụ thịt lợn tại cửa hàng vẫn duy trì ổn định, do đã tạo được thương hiệu và niềm tin từ khách hàng nhiều năm nay.

Tết Nguyên đán 2020 sắp tới, cửa hàng vẫn có nguồn thịt lợn ổn định từ trang trại của gia đình anh Chiến để phục vụ người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng đàn lợn dao động khoảng 90.000 con; trong đó số lợn thịt chiếm khoảng 70%.

Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 25.000 hộ của 2.174 thôn, trên tổng số 501 xã trên địa bàn 27 huyện, thị, thành phố với hơn 200.000 con lợn buộc phải tiêu hủy.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tập trung chỉ đạo thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tái đàn lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các địa phương tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt là tái đàn lợn; kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Các địa phương triển khai thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi lợn, trường hợp tái đàn phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã.

Từ ngày 10/11/2019, các cơ sở chăn nuôi tái đàn chưa được Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý mà xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi thì không được hỗ trợ thiệt hại từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục