Cách phòng, chống ngập úng, bảo vệ cây trồng do mưa lớn

10:52' - 30/07/2018
BNEWS Hiện nay đang là mùa mưa bão, thời tiết cũng đang diễn biến phức tạp, hiện tượng ngập úng do mưa to hoàn toàn có thể xảy ra.
Lúa bị ngập úng cục bộ do ảnh hưởng thời tiết. Ảnh: Kim Há-TTXVN

Do đó, việc nắm vững các biện pháp phòng, chống ngập úng bảo vệ cây lúa, cây rau màu, cây ăn quả để hạn chế thiệt hại là rất quan trọng.

Cách phòng, chống ngập úng, bảo vệ cây trồng

- Đối với cây lúa

Cần kiểm tra, rà soát lại diện tích mạ dự phòng đã gieo, bảo vệ diện tích này bằng mọi biện pháp không để chuột, sâu, bệnh hoặc úng ngập mất mạ và cân đối lượng giống ngắn ngày đã dự phòng để kịp thời cấy dặm những diện tích lúa bị ảnh hưởng do mưa bão gây ra.

Tiếp đến, khoanh vùng những diện tích lúa mới cấy, cây lúa chưa bén rễ, hồi xanh; diện tích lúa gieo thẳng, lúa cấy bằng mạ nền cứng chiều cao cây thấp dễ bị ngập ưu tiên tiêu, thoát nước trước. Những diện tích cấy sớm, cây lúa đã phát triển tiêu thoát nước sau.

Phải thực hiện tiêu thoát thật nhanh bằng mọi biện pháp theo phương châm “Vùng trũng tiêu nước trước, vùng cao tiêu nước sau, lúa mới cấy tiêu nước trước, lúa cấy sớm tiêu nước sau” không để ngập, úng kéo dài gây mất lúa.

- Đối với cây rau, màu

Khẩn trương vun cao luống, khơi thông rãnh thoát nước để thuận lợi cho tiêu thoát nước trên những diện tích rau, màu đã trồng.

Cần thu hoạch nhanh những diện tích cây rau, màu đến kỳ cho thu hoạch; tiến hành che chắn cho các loại rau ăn lá, chằng buộc lại giàn để bảo vệ rau, màu hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa lớn gây dập nát, đổ gãy các loại rau, màu.

- Đối với cây ăn quả

Khẩn trương chằng buộc, sử dụng tre, luồng để chống cành, chống cây hạn chế đổ gãy cây, rụng quả khi có gió mạnh.

Khơi thông rãnh thoát nước, vun cao xung quang tán không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, sự phát triển của quả.

Chủ động thu hoạch những loại quả đã chín, nếu có nguy cơ bão đổ bộ vào đất liền có thể thu hoạch khi quả sắp chín và sử dụng các loại chế phẩm sinh học an toàn để dấm quả đảm bảo chất lượng quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chăm sóc, phục hồi cây trồng sau ngập úng

Ngập úng gây nên hiện tượng đất bão hòa độ ẩm, hàm lượng oxy trong đất giảm, hàm lượng CO2 và các loại khí độc trong đất đối với cây trồng tăng lên. Điều này đã tác động đến quá trình trao đổi chất của cây trồng và đặc biệt là nhóm cây trồng cạn.

Do đó, sau ngập úng, đối với cây trồng bị ngập nhẹ, còn khả năng phục hồi cần tiến hành tiêu nước kết hợp tạo sự thông thoáng cho đất để cung cấp oxy cho rễ, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhanh chóng phục hồi và áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng ngừa sâu bệnh hại tấn công.

- Đối với các loại cây trồng ngoài đồng ruộng tiến hành cải tạo hệ thống mươn máng, cống thoát nước và tiến hành tiêu nước.

- Đối với các loại cây trồng trong âu, chậu tiến hành khơi thông hệ thống thoát nước, nâng cao âu chậu nếu có thể. Tiến hành rửa sạch bùn, đất bám vào lá, cành và kết hợp cố định cây trồng ổn định để hạn chế long gốc, hư hại bộ rễ.

Phá váng mặt đất sau khi nước đã rút, độ ẩm trong đất giảm bằng cách tiến hành xới nhẹ lớp đất mặt giúp đất và gốc cây được thông thoáng, kết hợp cắt bỏ những bộ phận lá, cành đã bị hư hỏng do bị ngập trong nước lâu ngày.

- Bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại: Sau ngập úng, nên bón các loại phân vô cơ, các loại phân qua lá giàu đạm, lân, vi lượng để cây nhanh chóng phục hội, hạn chế tối đa việc bón các loại phân hữu cơ vào đất.

Tùy theo các giai doạn phát triển của cây trồng để chúng ta lựa chọn loại phân bón cho phù hợp, kết hợp việc bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng phục hồi, cần tiến hành áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh hại.

- Đối với nhóm cây ăn quả, sau khi nước rút, cần tiến hành xới nhẹ nhằm phá váng ở lớp đất mặt giúp đất thông thoáng. Đào mương để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây. Phun các loại phân bón lá có hàm lượng đạm và lân cao.

Việc phun phân bón lá giai đoạn này là rất quan trọng, giúp cây có đủ dưỡng chất để sinh trưởng phát triển, phục hồi bộ rễ, ra nhiều rễ mới để hút dinh dưỡng từ đất.

Ngoài ra, cần hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị dí chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút./.

>> Nam Bộ chuyển đổi trên 35.000 ha lúa sang trồng hoa màu, cây ăn quả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục