Cải cách hành chính: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

15:02' - 12/07/2018
BNEWS Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Bộ Công Thương.

Sáng 12/7, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo dẫn đầu Đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Bộ Công Thương.

Ông Trần Hữu Linh-Chánh Văn phòng Bộ Công Thương trình bày về cải cách hành chính của Bộ. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện cải cách hành chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Công Thương, Chánh Văn phòng Bộ Trần Hữu Linh cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính với trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành công thương, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao.
Theo ông Trần Hữu Linh, xác định cải cách hành chính phải gắn liền với trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị ở các cấp thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành quyết định kiện toàn đầu mối về cải cách hành chính của Bộ (gồm thủ trưởng và 1 chuyên viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của đơn vị thuộc Bộ).
Cùng đó, Bộ phận tham mưu, giúp việc về cải cách hành chính ở các cấp của Bộ Công Thương đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đội ngũ này được bố trí các cán bộ có năng lực và phẩm chất, năng động, sáng tạo, tâm huyết với cải cách hành chính.
Hàng năm, Bộ Công Thương lấy kết quả cải cách hành chính làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân người đứng đầu, cũng như các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sử dụng trên 10 đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị hoạt động công chức, công vụ; kịp thời điều chỉnh quy định hành chính bất hợp lý; tiếp thu các sáng kiến cải cách từ người dân, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế.
Mặt khác, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 13 văn bản và ký ban hành theo thẩm quyền 35 Thông tư, hoàn thành 100% văn bản phải xây dựng năm 2017.
Riêng năm 2018, số văn bản Bộ Công Thương phải trình và ban hành theo thẩm quyền là 49 văn bản. Đến nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 4 Nghị định (trong đó 2 Nghị định đã được Chính phủ ký ban hành) và ban hành được 15 Thông tư. Các văn bản còn lại đã và đang được Bộ Công Thương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, Bộ đã rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018; theo đó, tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh được bãi bỏ là 675/1.216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (chiếm tỷ lệ 55,5%).
Không những thế, năm 2017, Bộ đã cắt giảm và đơn giản hóa 183 thủ tục hành chính (trong đó cắt giảm 49 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 134 thủ tục hành chính).
Năm 2018, Bộ Công Thương có phương án bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật (10 Thông tư, 1 Thông tư liên tịch, 1 Quyết định Thủ tướng và 7 Nghị định).
Đến thời điểm này, Bộ đã thực hiện đơn giản hóa, bãi bỏ được 14 thủ tục hành chính, các thủ tục hành chính còn lại đã và đang được thực hiện đảm bảo tiến độ đã đề ra.
Vì vậy, tổng số thủ tục hành chính Bộ Công Thương đang quản lý là 457 thủ tục hành chính. Đáng lưu ý là tất cả các thủ tục hành chính này đều được công bố và cập nhật công khai đầy đủ, đúng hạn trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và tại trụ sở trực tiếp tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính liên quan.

Toàn cảnh buổi làm việc về cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Đặc biệt, năm 2017 Bộ Công Thương đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 154 thủ tục hành chính và thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 152/457 thủ tục hành chính liên quan đến 28/267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Ðầu tư… 

Hơn nữa, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ.
Ngoài ra, hiện nay Bộ có 35 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 118 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đều được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã kết nối 6 dịch vụ công trực tuyến với Cổng thông tin một cửa quốc gia (VNSW). Năm 2017, Bộ Công Thương đã gửi xử lý 189.552 Hồ sơ trên VNSW và 5 tháng đầu năm 2018 Bộ đã gửi xử lý 19.332 Hồ sơ điện tử trên VNSW…
Ông Nguyễn Thành Phúc-Cục trưởng Cục tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá cao công tác chuẩn bị phục vụ Đoàn kiểm tra và kết quả cải cách hành chính của Bộ Công Thương đạt được tiến bộ qua từng năm thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Bộ Công Thương đạt 1/19 trong thứ hạng cải cách hành chính năm 2017 về chỉ số hiện đại hóa hành chính và là một trong số ít Bộ ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, thời gian tới cần làm tốt hơn bởi hiện nay tỷ lệ băng thông vẫn còn thấp so với các Bộ khác. Do đó để đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu, văn bản Bộ cần tăng thêm tỷ lệ băng thông và đẩy mạnh hơn nữa về sử dụng chữ ký số.
Ngoài ra, thông tin trên cổng thông tin của Bộ cần bổ sung thêm định hướng chiến lược kế hoạch; các hạng mục dự án đầu tư đấu thầu mua sắm công; kết quả đề tài khoa học theo quy định của Nghị định số 43/2011/NĐ-CP.
Ông Nguyễn Thành Phúc cũng lưu ý việc phải có quy chế đảm bảo an toàn thông tin, quy chế quản lý sử dụng chữ ký số; cần ban hành chính sách về sử dụng dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn.

Thứ trưởng Bộ nội vụ-Phó trưởng ban chỉ đạo về cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS


Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh: Báo cáo đã đánh giá thẳng thắn, định hướng rõ ràng, triển khai toàn diện trên 6 lĩnh vực và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đáng lưu ý, việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho thấy chất lượng xây dựng văn bản của Bộ cao và tuyên truyền phổ biến cũng như thực hiện pháp luật của Bộ tương đối tốt.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động có sự chuyển biến tích cực, đã gắn kết được công nghệ thông tin với cải cách hành chính của Bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng: Cải cách hành chính là việc làm rất khó, đụng chạm đến nhiều cá nhân, tổ chức nên rất chia sẻ với Bộ Công Thương trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh việc đồng tình với báo cáo chung về 8 nội dung nổi bật trên các mặt cải cách hành chính, trong đó nổi bật nhất là thứ hạng cải cách hành chính từ số 12 vào năm 2016 Bộ Công Thương đã vươn lên số 5 năm 2017.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng thẳng thắn chỉ ra 4 nội dung tồn tại mà Bộ Công Thương cần phải khắc phục.
Đó là một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, không ít đơn vị chưa nhận thức tầm quan trọng của cải cách hành chính. Mặt khác, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành; công bố thủ tục hành chính còn chậm; chưa có phương án rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành cũng như tiến độ chất lượng yêu cầu đối với FTA.
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhất trí với đề xuất của Bộ Công Thương trong việc kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho Nghị định số 123/NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 24/NĐ-CP và Nghị định số 37/NĐ-CP về tổ chức của cơ quan chuyên môn ở địa phương; Nghị định số 45/NĐ-CP về quản lý Hội, Hiệp hội.
Hơn nữa, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường.
Bên cạnh việc tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến tại các Bộ, ngành, kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Chính phủ cần đẩy mạnh tuyên truyền và có giải pháp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ) tích cực tham gia, đảm bảo hiệu quả cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành liên quan.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cần tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo kết nối phối hợp xử lý công việc, chia sẻ, dùng chung giữ liệu tiến tới Chính phủ điện tử.
Cùng với đó, tập trung nguồn lực để sớm đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào vận hành để tích hợp, thống nhất toàn bộ các dịch vụ công của quốc gia trên một cổng duy nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục