Cải cách hành chính để phát triển: Bài 2: Thay đổi đột phá từ ngành hải quan

07:32' - 28/08/2016
BNEWS Công tác cải cách hành chính được ngành hải quan thực hiện dựa trên phương pháp quản lý hải quan hiện đại bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngành là cải cách thủ tục hải quan, Cục Hải quan TP.HCM cũng triển khai nhiều kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ với nhiều mục tiêu đề ra nhằm rút ngắn thời gian thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Công tác cải cách hành chính được ngành hải quan thực hiện dựa trên phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo hướng tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ và cam kết quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin… bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Những bước thay đổi đột phá

Trong thời gian qua ngành hải quan nói chung và Cục hải quan TP.HCM nói riêng đã thường xuyên, liên tục cải cách, đổi mới, hiện đại hóa để phù hợp và ngang tầm với hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới.

Quá trình đổi mới đã chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang áp dụng máy móc, thiết bị công nghệ thông tin. Từ tiền kiểm (kiểm tra trong quá trình thông quan) sang hậu kiểm (kiểm tra sau thông quan).

Công tác cải cách hành chính của ngành hải quan đã mang lại kết quả tích cực. Ảnh: TTXVN

Từ chủ quan của cán bộ công chức sang áp dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống quản lý rủi ro để lựa chọn phân luồng hình thức, mức độ kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý xuất nhập cảnh.

Cắt giảm thủ tục hải quan, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc tự khai tự chịu trách nhiệm về nội dung khai báo.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết, cũng như cơ quan thuế, cơ quan hải quan là đối tượng được các doanh nghiệp thường xuyên tiếp xúc và có nhiều kêu ca phàn nàn về thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng tôi đã làm được một số cải cách, chẳng hạn như đã triển khai thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu cũng như phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh.

Hiện nay gần như 100% tờ khai hải quan kể cả hàng hóa chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục hải quan điện tử trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS (trừ một vài trường hợp phải khai tờ giấy theo quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015).

Theo đó, hệ thống tự động tiếp nhận đăng ký, cấp số tờ khai hải quan, phân luồng hình thức mức độ kiểm tra hải quan và phản hồi thông tin cho người khai hải quan.

Thực ra, thủ tục hải quan điện tử đã thực hiện cách đây hơn 10 năm, ngành hải quan là ngành tiên phong trong các cơ quan quản lý nhà nước tiến hành hải quan điện tử và hiện nay đang mở rộng cho tất cả các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hiện nay khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử thời gian thông quan phụ thuộc rất nhiều yếu tố liên quan đến doanh nghiệp, cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý liên quan.

Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục hải quan đối với một tờ khai/lô hàng tại cơ quan hải quan rất nhanh (chiếm khoảng 28% thời gian thông quan và không quá một ngày làm việc). Thời gian còn lại thuộc về phía doanh nghiệp và các cơ quan liên quan, trong đó các cơ quan quản lý chuyên ngành chiếm đến 72% thời gian thông quan hàng hóa.

Ngoài ra, từ ngày 1/1/2016, ngành hải quan triển khai thủ tục hải quan điện tử theo Luật hải quan năm 2014 và đã đề xuất sửa đổi, cắt giảm 31 thủ tục và bãi bỏ 7 thủ tục không cần thiết nhằm tạo thuận lợi và nâng cao tính tuân thủ của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý hải quan.

Phối hợp kiểm tra chuyên ngành

Một trong những cải cách quan trọng là ngành hải quan cũng đã thực hiện Đề án Phối hợp kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo Quyết định 2026/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hải quan TP.HCM đã phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh cảng để triển khai thành lập hai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 3 chi cục: Chi cục hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Chi cục hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, Chi cục hải quan chuyển phát nhanh. Hiện nay có 8 cơ quan kiểm tra chuyên ngành tham gia để phối hợp kiểm tra và thông quan nhanh hàng hóa tại cửa khẩu.

Thủ tục hải quan thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Khi phối hợp như vậy doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi khi thông quan hàng hóa, tránh trường hợp trước đây phải lấy mẫu mang về các địa điểm ở các cơ quan chuyên ngành kiểm tra và trả kết quả, mất rất nhiều thời gian.

Song song với đó là việc tăng cường trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan như máy soi hàng hóa, hành lý; máy soi container, hệ thống camera giám sát, máy quét mã vạch, máy phát hiện phóng xạ, các thiết bị, dụng cụ kiểm tra thực tế hàng hóa…

Ngoài ra, tại một số cửa khẩu lớn như Cát Lái, cảng VICT, ICD Phước Long, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, địa điểm kiểm tra tập trung hàng hóa chuyển phát nhanh đã sử dụng máy soi để kiểm tra trước hàng hóa trong quá trình xếp dỡ, kiểm tra hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan nhằm phòng ngừa, phát hiện các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa và thông quan nhanh hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP.HCM, có thể nói triển khai Luật Hải quan năm 2014 là bước đột phá cũng như tiền đề để ngành hải quan đẩy mạnh cải cách TTHC, trong luật hải quan mới này có nhiều nội dung mới như về khai trước, xác định trước đối với hàng mã số, trị giá, xuất xứ rồi giảm thiểu hồ sơ hải quan, cải tiến thủ tục hải quan đối với một số loại hình như gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất hay xây dựng cơ chế ưu tiên đối với doanh nghiệp ưu tiên, áp dụng phương pháp quan lý hải quan hiện đại khi quản lý rủi ro, quản lý sau thông quan. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục